Giải đáp về thuế giá trị gia tăng - “Tháo” tiếp các gút mắc

Việc ghi hóa đơn bán hàng – hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) – là chuyện thường ngày của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Thế nhưng, xung quanh cái hóa đơn còn nhiều điều rắc rối. Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM sẽ trả lời các thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này.

* Hỏi: Đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên hóa đơn thuế GTGT nhưng lại không có đủ điều kiện để xác định đầu ra, đầu vào thì phải tính thuế như thế nào? (Nguyễn Minh Loan, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM).

° Trả lời: Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có đầy đủ hóa đơn bán ra theo chế độ quy định hoặc có đủ điều kiện xác định được đúng doanh thu bán hàng như hợp đồng và có chứng từ thanh toán nhưng không có đủ hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào thì thuế GTGT được xác định bằng doanh thu nhân (x) với tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh thu.

Tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh thu làm căn cứ xác định giá trị gia tăng được quy định như sau:
+ Thương mại (phân phối, cung cấp hàng hóa): 10%.

+ Dịch vụ, xây dựng (trừ xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu): 50%.

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 30%.

* Tôi là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đủ điều kiện xác định GTGT thì được áp dụng tỷ lệ GTGT ra sao? (Phạm Thị Hồng, quận 3, TPHCM).

° Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán hóa đơn chứng từ thì thuế GTGT được tính khác. Lấy GTGT x thuế suất. Tỷ lệ GTGT được xác định theo biểu tỷ lệ ban hành kèm theo QĐ số 16333/CT-QĐ/2008 ngày 30-12-2008 của Cục Thuế TPHCM. Chẳng hạn, ngành bán buôn tại các quận 5% và tại các huyện tỷ lệ GTGT là 3%; bán lẻ 8% và 6 %, dịch vụ cho thuê nhà, cửa hàng 38% và 33%; dịch vụ ăn uống 33% và 23%.

Ghi hóa đơn sai, xử lý thế nào?

* Hộ kinh doanh của chúng tôi kinh doanh rất nhiều ngành nghề thì phải áp dụng tỷ lệ GTGT như thế nào? (Lê Hải Phong, quận 1, TPHCM).

°Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề thì áp dụng theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính. Trường hợp không xác định được riêng biệt từng hoạt động thì áp dụng tỷ lệ GTGT của ngành nghề cao nhất.
 
°Do việc áp dụng thuế suất thuế GTGT hiện nay tương đối phức tạp, sau khi đã bán hàng (có lập hóa đơn) nhưng sau đó hai bên phát hiện thuế suất ghi sai thì phải xử lý như thế nào? (Phan Quốc Huy, quận 10, TPHCM).

°Trường hợp đã bán hàng lập hóa đơn trước khi cơ quan thuế có quyết định kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, 2 bên tự phát hiện thuế suất đã ghi sai thì bên bán và bên mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, quy cách hàng hóa, mức thuế suất thuế GTGT tăng (giảm) theo hóa đơn GTGT (số...ký hiệu...ngày...tháng của hóa đơn, thời gian) và lý do điều chỉnh thuế suất, đồng thời bên bán lập hóa đơn điều chỉnh mức thuế GTGT được điều chỉnh. Trên hóa đơn ghi rõ điều chỉnh tăng/giảm thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ tại hóa đơn số, ký hiệu... (không được ghi số âm (-) trên hóa đơn).

Căn cứ vào hóa đơn đã điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua/bán, thuế GTGT đầu ra/đầu vào. Trường hợp thuế suất ghi trên hóa đơn bán ra cao hơn thuế suất quy định, nếu không xác định được người mua thì không được lập hóa đơn điều chỉnh thuế GTGT.

* Chúng tôi bán hàng nhưng ghi sai thuế GTGT, cơ quan thuế đến kiểm tra mới phát hiện thì xử lý như thế nào? (Nguyễn Văn Nga, cơ sở kinh doanh quận 5, TPHCM).

° Nếu bạn là cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ nhưng ghi thuế GTGT trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT; trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán.

Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.
 
Thanh toán theo tiến độ dự án, lập hóa đơn thế nào?

* Công ty chúng tôi kinh doanh bất động sản, hiện nay chúng tôi đang vướng về vấn đề lập hóa đơn, xin Cục Thuế hướng dẫn cụ thể về hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (Hồ Nam, quận 7, TPHCM).

° Tùy từng trường hợp sẽ có cách lập hóa đơn riêng. Chẳng hạn, bạn là cơ sở kinh doanh được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng nhà để bán, cho thuê hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng để bán, cho thuê thì lập hóa đơn như sau:

+ Ở dòng giá bán ghi “giá bán nhà, cơ sở hạ tầng” (trên hóa đơn ghi tách riêng giá bán nhà và giá đất hoặc giá thuê đất, giá cho thuê cơ sở hạ tầng)- giá chưa có thuế GTGT.

+ Dòng giá tính thuế GTGT là giá được xác định theo điểm 1.8 mục I phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính.

+ Dòng thuế suất thuế GTGT, ghi giá thanh toán theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì khi thu tiền, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn GTGT. Trên hóa đơn ghi rõ số tiền thu, giá đất được giảm trừ trong doanh thu tính thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, số thuế GTGT.

Giá đất được trừ tính theo tỷ lệ (%) của số tiền thu theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng với giá đất được tính trừ tại thời điểm chuyển nhượng (thời điểm thu tiền lần đầu theo tiến độ) theo quy định

CHẾ HÂN – LỆ NGA

Tin cùng chuyên mục