Tệ nạn phải xử lý nghiêm
Karaoke gia đình là một loại hình giải trí lành mạnh, nhưng nhiều người đã lạm dụng loại loa công suất lớn, tụ tập hát hò ngày đêm trong khu dân cư. Khi hát không ra hát, hò không ra hò, mà lại mở loa công suất lớn, không tôn trọng giờ ngủ nghỉ của mọi người chung quanh, thì trở thành một “công cụ tra tấn” cư dân, một tệ nạn xã hội. Nhiều cửa hàng cũng đưa loa công suất lớn ra vỉa hè để rao quảng cáo và phát nhạc inh ỏi để thu hút khách hàng. Đã đến lúc chính quyền địa phương phải mạnh tay xử lý những việc “chướng tai gai mắt này”.
khách hàng. Ảnh: ĐOÀN HIỆP.
Nghị định 117/2009 quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm gây tiếng ồn; Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định phạt tiền đến 160 triệu đồng. Do vậy, vấn đề là chính quyền xã, phường có quyết tâm thực thi hay không.
TÚ NGUYÊN (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Không khó xử lý tiếng ồn
Việc sử dụng loa va li kéo công suất lớn để hát karaoke vào buổi tối tại khu dân cư đã thành một vấn nạn, tra tấn cư dân. Thế nhưng hiện nay việc thực thi chế tài còn bị buông lỏng. Nhiều địa phương cho rằng khó xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn vì chưa có máy đo tiếng ồn. Thực ra đó chỉ là bao biện cho việc chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm.
Trên địa bàn quận 1, việc tụ tập hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư được công an địa phương xử lý rất kiên quyết, mặc dù cũng như các địa phương khác, các phường ở quận 1 không được trang bị thiết bị đo tiếng ồn. Khi nhận tin báo của cư dân trên địa bàn về việc có nhà tổ chức hát hò gây ồn, mất trật tự, công an phường cử cán bộ đến ngay để nhắc nhở, yêu cầu giải tán để người dân ngủ nghỉ.
Nếu vẫn còn tái phạm, cư dân tiếp tục phản ánh, khiếu nại, công an sẽ trở lại tạm giữ các thiết bị âm thanh. Đối với tổ chức tiệc tùng, tang ma, cưới hỏi gây ồn ào, chính quyền và công an địa phương sẵn sàng thông cảm, nhưng cũng nhắc nhở, yêu cầu người dân chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.
Công an địa phương cũng nhắc nhở người dân là khi phát hiện các trường hợp hát hò vào giờ ngủ nghỉ, thì điện thoại thông báo cho cơ quan chức năng xử lý; tránh tối đa việc đối đầu khiến xảy ra xích mích, xung đột. Lực lượng công an sẽ có mặt tức thời để hỗ trợ cho nhân dân. Qua đó cho thấy thực tế không phải là khó xử lý nạn gây ô nhiễm tiếng ồn.
NGUYỄN ANH TUẤN (quận 1, TPHCM)
Không ô nhiễm tiếng ồn là tiêu chí thành phố chất lượng sống tốt
Ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành một trong những tác nhân làm giảm chất lượng sống của người dân. TPHCM đã đặt mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn gần như không được cải thiện, trong khi đây lại là một trong những tiêu chí để đo lường chất lượng sống, mức độ văn minh và tính hiện đại của một đô thị. Do vậy, chính quyền TPHCM cần phải có ngay những giải pháp quyết liệt kéo giảm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Trước hết là giải pháp truyền thông gây ý thức cho người dân. Cần sớm xây dựng và phổ biến thường xuyên các nội dung truyền thông về việc giữ gìn môi trường sống trong lành trong các khu dân cư, nêu lên các tác hại của tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đối với cộng đồng, cuộc sống của người dân. Các cơ sở kinh doanh không được phép gây ô nhiễm tiếng ồn để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của mình. Chính quyền cũng cần cho in những tờ rơi phát cho các hộ gia đình về việc giữ gìn môi trường sống trong lành trong khu dân cư, không được tạo ra tiếng ồn quá mức cho phép và kéo dài.
Cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố nên thường xuyên nhắc nhở người dân về việc không được phép gây ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung của cộng đồng. Chính quyền thành phố cần nhanh chóng làm cho các quy định xử phạt các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có hiệu lực trong cuộc sống bằng cách huy động các lực lượng chức năng thực thi xử phạt các hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn. Việc này cần phải được làm thường xuyên chứ không nên chỉ làm theo phong trào.
LÊ MINH TIẾN (giảng viên Đại học Mở TPHCM)