Giải quyết tốt tố cáo liên quan đến chính sách người có công

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nhận định: "Tố cáo đa phần liên quan đến xem xét giải quyết chính sách người có công ở địa phương chưa đúng quy định, không công bằng. Đề nghị cần nhận xét, đánh giá kỹ hơn lý do, tình hình chấp hành pháp luật trong việc thực hiện chế độ chính sách". 
Quang cảnh buổi họp
Quang cảnh buổi họp

Ngày 8-4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021” đã chủ trì buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ LĐTB-XH.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ LĐTB-XH cho biết, trong khoảng thời gian trên đã tiếp hơn 14.300 lượt công dân. Bộ LĐTB-XH đã chủ động rà soát tất cả các vụ việc bức xúc, nổi cộm, các kiến nghị, khiếu nại kéo dài qua nhiều kỳ tiếp công dân và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, tham mưu giải quyết.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ những đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực do Bộ LĐTB-XH phụ trách, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng và bảo hiểm xã hội (chiếm tới gần 90%).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nhận định: “Tố cáo đa phần liên quan đến xem xét giải quyết chính sách người có công ở địa phương chưa đúng quy định, không công bằng. Đề nghị cần nhận xét, đánh giá kỹ hơn lý do, tình hình chấp hành pháp luật trong việc thực hiện chế độ chính sách. Giải quyết chế độ chính sách ở đây là sự cống hiến bằng xương máu. Người xứng đáng phải được hưởng chính sách. Trong tố cáo có nhiều trường hợp người không đáng được mà được hưởng thì cực kỳ tai hại”.

Bên cạnh đó, vẫn còn có đơn thư của người dân về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Do vậy, đề nghị bổ sung số liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này.

Báo cáo thêm với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ chú trọng giải quyết chế độ chính sách đối với người có công. Trên 6.000 hồ sơ tồn đọng trong 4 năm qua đã được xem xét hết. Đã giải quyết 2.600 trường hợp là liệt sĩ, trên 2.000 trường hợp thương binh. Còn lại tất cả các trường hợp khác kết luận không đủ, không xem xét nếu không có tình tiết mới. Bộ LĐTB-XH đã thành lập những hội đồng riêng để xem xét, cả quân đội, công an, cựu chiến binh tham gia.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý Bộ LĐTB-XH là bộ quản lý đa ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo, cần tiếp tục rà soát, chuẩn hóa số liệu làm cơ sở để đánh giá chính xác hơn việc những ưu điểm, hạn chế trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, cần đánh giá rõ đối với những trường hợp không được ghi nhận chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; có giải pháp xử lý khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này để đảm bảo yên dân.

Tin cùng chuyên mục