Giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng 2009- 2010: “Đừng đốt” được vinh danh

Giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng 2009- 2010: “Đừng đốt” được vinh danh

(SGGPO).- Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng năm 2009- 2010 - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam tôn vinh những nghệ sĩ, tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong năm đã diễn ra tại Hà Nội tối 14-3. Đến dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đông đảo nghệ sĩ và người yêu điện ảnh trong cả nước.

Một lần nữa Đừng đốt - bộ phim mang tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh những người anh hùng dân tộc đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc qua hình tượng người bác sĩ, liệt sĩ, anh hùng Đặng Thùy Trâm, đã được tôn vinh với hàng loạt giải thưởng lớn.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải Cánh diều vàng cho phim truyện nhựa Đừng đốt. Ảnh: MINH ĐIỀN

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải Cánh diều vàng cho phim truyện nhựa Đừng đốt. Ảnh: MINH ĐIỀN

Bộ phim Đừng đốt được chuyển thể từ cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã đem tới cho NSND Đặng Nhật Minh, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất giải thưởng cao quý Cánh diều vàng. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã được trao tặng giải “Đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc nhất”.

Nữ diễn viên Minh Hương với vai nữ anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã giành giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”. NSƯT Phạm Quốc Trung với phần thiết kế xuất sắc, sống động cho phim Đừng đốt đã giành giải họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất. Phần âm thanh trong phim Đừng đốt do NSƯT Bành Bắc Hải thực hiện đã giành giải “Âm thanh xuất sắc nhất”. Đừng đốt cũng giành giải phim được nhiều khán giả bình chọn nhất trong 8 phim truyện nhựa dự tranh Cánh diều vàng năm 2009- 2010.

Tham gia tranh giải Cánh diều vàng năm nay có 5 phim tài liệu nhựa, 36 phim tài liệu video, 11 phim khoa học video, 6 phim truyền hình ngắn tập, 10 phim hoạt hình 2D, 3D, 3 công trình nghiên cứu, 12 phim truyền hình dài tập - trong đó có phim Đồng hồ cát dài tới 145 tập. Riêng thể loại phim truyện nhựa có 8 phim tranh giải: Bẫy rồng, Đừng đốt, Được sống, Chơi vơi, Không cân sức, 14 ngày phép, Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa teen ngũ hổ tướng. Những phim được xếp vào dòng phim giải trí lại một lần nữa không có duyên với giải Cánh diều vàng năm 2009-2010. 

Giải thưởng Cánh diều vàng 2009- 2010
 

* Giải thưởng CDV phim truyện nhựa:

Nhà biên kịch xuất sắc nhất: Nguyễn Trọng Khoa (phim 14 ngày phép).

Họa sĩ xuất sắc nhất: NSƯT Phạm Quốc Trung (Đừng đốt).

Quay phim xuất sắc nhất: NSƯT Lý Thái Dũng (Chơi vơi).

Nhạc sĩ xuất sắc nhất: Trọng Đài (Được sống).

Giải âm thanh xuất sắc nhất: NSƯT Bành Bắc Hải (Đừng đốt).

Diễn viên triển vọng: Bảo Thy (Công chúa teen và ngũ hổ tướng).

Nam - nữ diễn viên phụ xuất sắc: Thái Hòa (14 ngày phép); Linh Dung (Chơi vơi).

Nam - nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Trịnh Hội (14 ngày phép); Minh Hương (Đừng đốt).

Phim được khán giả bình chọn: Đừng đốt.

Giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất: NSND Đặng Nhật Minh (Đừng đốt).

Phim truyện nhựa xuất sắc nhất: Đừng đốt.

* Giải thưởng dành cho phim truyện video: Khoan nói lời yêu thương - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang.

* Giải thưởng dành cho phim truyền hình dài tập: Vịt kêu đồng - Lê Phương Nam.

* Giải thưởng xuất sắc cho nam - nữ diễn viên phim truyện video: Phạm Cường (Khoan nói lời yêu thương); Trương Thị Mây (Đường đua).

* Giải thưởng cho nam - nữ diễn viên trong phim truyền hình dài tập: Hoàng Sơn (Vịt kêu đồng); Kim Tuyến (Chuyện tình đảo ngọc).

* Giải thưởng dành cho phim tài liệu video: Thuở bình minh - đạo diễn Việt Hương.

* Giải thưởng dành cho phim và đạo diễn phim xuất sắc thuộc thể loại phim khoa học video: Một ngày với vọc quần đùi - Nguyễn Hồng Quảng.

* Giải thưởng dành cho phim và đạo diễn phim xuất sắc thuộc thể loại phim tài liệu nhựa: Người thắp lửa - Nguyễn Như Vũ.

* Giải thưởng dành cho phim và đạo diễn phim xuất sắc thuộc thể loại phim hoạt hình Việt Nam: Thung lũng cỏ vàng - Lê Bình.

* Công trình nghiên cứu - lý luận - phê bình điện ảnh xuất sắc: không có Cánh diều vàng; giải thưởng Cánh diều bạc được trao cho tác giả Đỗ Lệnh Hồng Tú với công trình “Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện”

V. XUÂN

Giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng 2009- 2010: “Đừng đốt” được vinh danh ảnh 2

Ngày hội ngộ của giới điện ảnh

Đúng 19 giờ ngày 14-3, tại sảnh Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô nhộn nhịp hơn hẳn so với mọi mùa trao giải Cánh vàng diều trước. Bởi đây là năm đầu tiên ngành điện ảnh có một ngày hội riêng của mình và cũng là năm đầu tiên, những người vốn dĩ chẳng liên quan gì đến việc có hay không giải thưởng tại mùa Cánh diều vàng cùng có mặt để chung vui trong ngày hội này.

Với NSND Lê Khanh, Ngày hội Điện ảnh là dịp để các lớp cha chú và con cháu của giới điện ảnh hội tụ. Vẫn vẻ rạng rỡ và đầy xúc động, NSND Lê Khanh chia sẻ, chị ít khi nhận lời tham gia phim truyền hình hay điện ảnh nhưng với chị, ngày hội Điện ảnh là niềm vui lớn không kém gì với ngày hội của giới sân khấu. Chị được gặp lại rất nhiều anh chị em đã lâu không gặp như Trà Giang hay các nghệ sỹ thời kỳ đầu của nền điện ảnh Việt.

Trong tâm trạng của người lần đầu tiên dự giải Cánh diều vàng, nghệ sỹ Lý Hùng chia sẻ “Tôi chưa có cơ hội đến với giải thưởng Cánh diều vàng trong nhiều năm qua. Lần đầu tiên đến với một ngày ý nghĩa với giới điện ảnh quả thật tâm trạng rất xúc động. Tôi ra Hà Nội để quảng bá cho “Tây Sơn hào kiệt” suốt 4 ngày qua và rất mong được góp mặt trong Ngày hội Điện ảnh Việt Nam năm nay. Rất nhiều bạn bè phía Bắc đã lâu tôi không gặp và thật bất ngờ họ vẫn dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp. Nhiều fan hâm mộ còn tâm sự với tôi về sự bất ngờ mà họ gặp tôi trong ngày hôm nay. Quả thật vắng bóng khá lâu trên điện ảnh mà mọi người vẫn còn nhớ Lý Hùng và “yêu” Lý Hùng như vậy thì không còn niềm vui sướng nào hơn”.

Anh cũng bày tỏ hy vọng “Tôi dám bỏ ra 14 tỷ đồng để sản xuất phim “Tây Sơn hào kiệt” và tôi cũng rất hy vọng, bộ phim sẽ đạt được giải thưởng uy tín của giới điện ảnh Việt Nam”.

Không phải là gương mặt mới với điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, sau “Nụ hôn thần chết” đến “Những nụ hôn rực rỡ”, nữ người mẫu, diễn viên Thanh Hằng chia sẻ “Đã nhiều năm dự giải Cánh diều vàng nhưng đây là năm đầu tiên Hằng cảm nhận thấy được một “ngày hội” của giới điện ảnh. Hằng được gặp gỡ nhiều những nghệ sỹ gạo cội trong nghề, những nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu với những lời động viên rất ý nghĩa cho lớp trẻ như Hằng”.

Thanh Hằng hy vọng “Giải thưởng Cánh diều vàng sẽ trở thành một điểm mốc, một ngày hội Oscar để tôn vinh những cống hiến của những người làm điện ảnh. Ai cũng mang trong mình cái tôi dân tộc, bản thân Hằng cũng luôn cố gắng cống hiến hết mình cho điện ảnh, có những vai diễn lạ hơn, mới hơn. Có thể mới sẽ là bỡ ngõ nhưng nếu muốn phát triền, Hằng nghĩ chúng ta phải chinh phục được những điều mới lạ như thế”.

Một trong những gương mặt nghệ sỹ gạo cội phía Bắc khá ngậm ngùi trong buổi gặp mặt của giới điện ảnh Bùi Cường tâm sự niềm hạnh phúc “Chúng tôi vui lắm. Vui vì ngày của anh em trong ngành được gặp gỡ, trao đổi và ôn lại một thời kỳ đóng phim đầy lăn lộn thuở trước. Bây giờ khi đã có tuổi, nhìn lại lớp trẻ thấy các em ngày càng phát triể cũng rất mừng”.

Trong niềm vui hội ngộ, NS Bùi Cường chia sẻ “Tôi lâu lắm mới có cơ hội gặp lại chị Trà Giang – người đã cùng tôi tham gia bộ phim “Kẻ giết người” thuở còn cùng công tác ở Hãng phim Truyện Việt Nam. Mới đây tôi cũng có viết một bài về chị Trà Giang trong cuốn giới thiệu gương mặt Trà Giang của Viện Tư liệu. Trong buổi gặp mặt hôm nay, chị Trà Giang đã nói rất nhiều lời cảm ơn với tôi. Đó cũng là một kỷ niệm trong Ngày hội đầu tiên của giới điện ảnh”.

Kathy Uyên sau một năm trở lại với Cánh diều vàng, năm nay cô tham dự với tư cách là người lên trao giải chứ không tham dự giải.

Đây không phải là năm đầu tiên Cánh diều vàng được trao tại Hà Nội nhưng đây là năm đầu tiên, Cánh diều vàng được trao gắn với Ngày hội Điện ảnh Việt Nam. Gần 1 tiếng đồng hồ dành cho hội ngộ, ai cũng mừng vui trong niềm xúc động. Cả hội trường Cung Hữu nghị Việt Xô rộn rã, không ai bảo ai đều đứng dậy để tôn vinh những nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu như Bạch Diệp, Trà Giang, Thế Anh, Hải Ninh… trên sân khấu. Nhiều người xúc động chia sẻ, đó là niềm hạnh phúc của những người làm điện ảnh mà đáng lẽ Hội Điện ảnh phải nghĩ tới tổ chức Ngày hội Điện ảnh Việt Nam từ lâu lắm rồi mới phải.

Còn ở vị trí người đầu trò, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim bộc bạch “Tôi đã ấp ủ ý tưởng có Ngày hội Điện ảnh Việt Nam từ cách đây 3 năm đến bây giờ mới thực hiện được. Gần 100 anh chị em nghệ sỹ tụ hội về đây và không ai bảo ai, đều rất xúc động vì chúng tôi (những người yêu điện ảnh và hết mình vì điện ảnh) đã có cơ hội được tôn vinh”. 

MAI AN 

- Thông tin liên quan:

>> Giải thưởng Cánh Diều Vàng 2010: Phim nào sẽ đăng quang?

>> Về giải Cánh diều vàng 2010, Chủ tịch Hội Điện ảnh VN Trần Luân Kim: Không nhất thiết phải có giải vàng

Tin cùng chuyên mục