Từ ngày đầu (năm 2007) về làm việc tại Công ty cổ phần Cao su Bến Thành, đến nay kỹ sư Nguyễn Vũ Nhân (30 tuổi, Trưởng chuyền băng tải) đã có hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng chất sản phẩm. Không những góp phần làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm, những sáng kiến của anh còn là hướng đi riêng, khẳng định trách nhiệm của người lao động, góp phần đảm bảo doanh số và công ăn việc làm cho đội ngũ công nhân lao động trong thời buổi khó khăn.
Một lần, Nguyễn Vũ Nhân đi công trường, khách hàng chỉ vào băng tải dạng ống doanh nghiệp đang sử dụng rồi hỏi: “Bên anh có làm được sản phẩm này không? Đây là sản phẩm mà chúng tôi hoàn toàn nhập khẩu từ châu Âu”. Sau ít phút ngập ngừng và tranh thủ quan sát sản phẩm băng tải đó có khác gì với của Bến Thành không mà phải nhập khẩu, anh Nhân mạnh dạn: “Chúng tôi có thể sản xuất được!”. Nhân tiện, anh Nhân đề nghị khách hàng cho mang mẫu về để kiểm tra các tính năng trong sản phẩm. Đây là sản phẩm rất phức tạp, không đơn thuần như các loại băng tải khác chỉ làm nhiệm vụ tải vật liệu, loại băng tải này còn ôm vật liệu thành hình trụ tròn (dạng ống) và khi không tải thì trở lại dạng mặt phẳng.
Suốt một tháng, Nhân cùng đồng nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm tính co rút của các thành phần vải chịu lực, sự phân bố các lớp cao su, tạo dòng chảy cho cao su... Cuối cùng, sản phẩm băng tải interflour, loại băng tải đặc biệt dạng ống ra đời. Băng tải dạng ống do anh Nhân cùng các cộng sự tạo ra có tác dụng giúp vật liệu không rơi vãi. Sản phẩm được đánh giá rất thân thiện với môi trường, vật liệu không rơi rớt, không bị bụi và tiết kiệm không gian. Chất lượng như nhau và giá tiền rẻ hơn băng tải cùng loại nhập khẩu, nên sản phẩm nhanh chóng được khách hàng chấp nhận, ký kết sử dụng lâu dài. Thành công này cũng khẳng định sản phẩm băng tải Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế sản phẩm nước ngoài.
Kỹ sư Nguyễn Vũ Nhân nghiên cứu sản phẩm tại xưởng sản xuất.
Dám nghĩ, dám làm, kỹ sư Nhân mạnh dạn đề xuất cấp trên cho sản xuất khổ rộng băng tải 2.600mm trong khi tất cả các thiết bị trong xưởng chỉ sản xuất được khổ 2.000mm; sản xuất phao chứa dầu dùng thu gom dầu loang ngoài biển với kích thước 2.100mm, 3.100mm trong khi các máy móc thiết bị chỉ sản xuất kích cỡ 1.400mm. Các sáng kiến của Nhân ra đời nhanh đến độ khiến nhiều người kinh ngạc (mỗi năm 3 - 5 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật). Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ thực tế trong quá trình sản xuất, từ yêu cầu của khách hàng.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Cao su Bến Thành cho biết, thời gian qua, do tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, đồng thời giá cả vật tư tăng cao, cao su thiên nhiên có lúc tăng hơn 200% trong khi sản phẩm cùng loại của Trung Quốc có giá rẻ mạt, nên lượng băng tải được sử dụng giảm. Chính trong lúc đó, những cải tiến nâng chất sản phẩm của Nguyễn Vũ Nhân tạo nên sự bứt phá, giúp công ty có được nhiều mặt hàng “độc”, đáp ứng nhu cầu của những khách hàng khó tính và không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài.
Cống hiến sáng kiến hết mình cho công ty, Nguyễn Vũ Nhân cũng không tiếc công sức để truyền thụ cả lý thuyết lẫn chỉ dẫn thực hành cho lớp công nhân trẻ. Sau khi huấn luyện công nhân, hàng tháng, Nhân đều đặt ra các bài kiểm tra, để công nhân tự viết những gì họ cảm nhận và cho là đúng. Người đi trước, người đi sau cùng tranh luận và đi đến thống nhất cuối cùng về những vấn đề lý thuyết, thực hành đặt ra. Cứ như thế, sau khoảng 6 tháng, Nhân có thể tin tưởng giao việc độc lập với trách nhiệm rõ ràng cho từng người. “Mình mong muốn công nhân luôn ý thức được công việc đang làm và luôn tìm tòi làm như thế nào để gắn trên mỗi một sản phẩm là chất xám và trách nhiệm của người lao động”, kỹ sư Nguyễn Vũ Nhân chia sẻ.
MẠNH HÒA