Giảm áp lực học hành

Chưa bao giờ áp lực bài vở lại trở thành đề tài nóng được tranh luận ở nhiều nơi trên thế giới như hiện nay. Khi Phần Lan, đất nước có hệ thống giáo dục thành công hàng đầu thế giới, đang loại bỏ phương pháp “dạy học theo môn học” truyền thống để thay bằng “dạy học theo hiện tượng hay chủ đề”, thì tại Tây Ban Nha cuối tuần qua, hàng ngàn phụ huynh học sinh ở 12.000 trường công trên toàn quốc đã xuống đường nói “không” với làm bài tập về nhà cho học sinh vào cuối tuần.

Liên minh Hội Phụ huynh Tây Ban Nha cho rằng, ngành giáo dục nước này bị phụ thuộc quá nhiều vào phương pháp truyền thống theo kiểu học vẹt, ghi nhớ máy móc, giao bài tập về nhà nhiều... gây bất lợi cho trẻ em. Theo dữ liệu Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh Tây Ban Nha phải dành 6,5 giờ/tuần để làm bài tập về nhà nhưng kết quả môn toán, tập đọc và môn khoa học lại không tốt hơn các nước khác. Trong khi đó, trong nhóm 38 nước khác, học sinh dành trung bình 4,9 giờ/tuần thì lại thể hiện các môn này tốt hơn.

Bài tập về nhà luôn là nỗi sợ không chỉ riêng của học trò ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Việt Nam, mà ngay cả học sinh ở Mỹ, Anh... cũng sợ! Những cuộc tranh cãi về bài tập về nhà cũng đang diễn ra từ châu Á đến châu Âu. Tháng 8 vừa qua, ngành giáo dục Nhật Bản rúng động khi một cậu học sinh 12 tuổi của một trường trung học cơ sở tư nhân đã bị cha mình đâm vào ngực bằng con dao làm bếp trong khi hai cha con đang tranh cãi với nhau xung quanh chuyện học hành. Theo đài NHK, khi bị bắt, người cha 48 tuổi cho biết ông đã không kềm chế được vì con mình không chịu học bài để chuẩn bị cho thi tại lớp. Ở Nhật Bản, phụ huynh thường chịu nhiều áp lực khi con cái họ theo học những trường danh tiếng.

Trong khi ngành giáo dục tại nhiều nước châu Á còn chưa có nhiều thay đổi, thì tháng 10 vừa qua, Trường Trung học Phillip Morant tại Essex (Anh) đã cấm giao bài tập về nhà, trong nỗ lực cho phép giáo viên có thêm thời gian để chuẩn bị, lên kế hoạch cải thiện bài giảng; cho học sinh được tham gia vào những lớp học kỹ năng và hoạt động ngoài giờ học chính. Ít nhất là Liên đoàn Công nghiệp Anh quốc và Bộ trưởng Bảo vệ giáo dục đảng Lao động, ông Tristram Hunt cho rằng, thúc đẩy nét cá tính, khả năng thích nghi và kỹ năng giao tiếp hơn là chỉ đẩy đám trẻ vào “guồng máy thi cử”.

Tại bang Texas của Mỹ hồi tháng 8 vừa qua, cô giáo Brandy Young, một giáo viên dạy lớp 2, Trường Tiểu học Godley đã trở thành “người hùng” khi tuyên chiến với nạn giao bài tập về nhà cho học sinh. Quyết định táo bạo này đã nhận được sự ủng hộ rộng lớn của phụ huynh và gây tác động mạnh trên mạng xã hội. Sau tuyên chiến của cô Brandy Young, Trường Tiểu học Kelly, thành phố Holyoke, bang Massachusetts, cũng đã cấm giáo viên cho học sinh làm bài tập về nhà.

Các chuyên gia giáo dục trên thế giới đang dõi theo sự lựa chọn thay đổi của Phần Lan. Liệu quốc gia này có khả năng vẫn duy trì hoặc cải thiện vị thế trên các bảng xếp hạng PISA do OECD công bố hay không? Nếu điều đó xảy ra, phần còn lại của nền giáo dục thế giới sẽ phản ứng ra sao?

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục