Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn: Chuyện đi một ngày đàng…

Sau hơn 10 ngày tham dự “Lễ hội Kijimuna Festa 2009” ở Nhật Bản, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn vừa trở về, kết thúc một chuyến đi thành công tốt đẹp.
Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn: Chuyện đi một ngày đàng…

Sau hơn 10 ngày tham dự “Lễ hội Kijimuna Festa 2009” ở Nhật Bản, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn vừa trở về, kết thúc một chuyến đi thành công tốt đẹp.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn phấn khởi cho biết: “Đây là lần đầu được mời tham dự lễ hội và chúng tôi rất hạnh phúc khi được các đồng nghiệp ở Nhật Bản cũng như các nước tham dự lễ hội và đông đảo khán giả đón nhận nồng nhiệt. Công chúng rất thích thú với loại hình nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam. 7 suất diễn của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM tại lễ hội đều kín khán giả. Trước các suất diễn của đoàn Việt Nam hàng giờ đồng hồ, khán giả xếp hàng rất đông để mua vé. Trong mỗi suất diễn, các nghệ sĩ của Việt Nam luôn nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng. Bạn bè các nước tham dự lễ hội đặc biệt ấn tượng với các trò rối truyền thống của Việt Nam cùng dàn nhạc tham gia biểu diễn rất nhuần nhuyễn, sinh động. Qua lễ hội này, tôi càng thêm tự hào về nhạc cụ truyền thống và múa rối nước của Việt Nam…”.

Biểu diễn của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM ở “Lễ hội Kijimuna Festa 2009” Nhật Bản, luôn thu hút đông đảo khán giả.

Biểu diễn của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM ở “Lễ hội Kijimuna Festa 2009” Nhật Bản, luôn thu hút đông đảo khán giả.

Từ những thành công của lần đầu đem chuông đi đánh xứ người, “bầu” Huỳnh Anh Tuấn đang nhắm đến việc chủ động khai thác, đưa Nhà hát Rồng Vàng TPHCM đi lưu diễn có doanh thu ở nước ngoài. Hiện nay, anh đang bàn thảo với các đối tác ở Nhật Bản để nhà hát có thể sớm tái ngộ khán giả xứ sở hoa anh đào, chứ không nhất thiết phải chờ đến các lễ hội.

Qua “những ngày đàng” ở Nhật Bản, “bầu” Tuấn cũng nhìn nhận: “Tôi học được rất nhiều điều từ chuyến đi này. Khi thấy ở Nhật Bản tổ chức ngày hội dành cho trống dân tộc, tôi cảm thấy rất hứng thú với điều này và nghĩ, chúng ta cũng đủ sức để có một ngày hội dành cho những tay trống dân tộc của TPHCM và cả nước. Tôi hình dung, nếu chúng ta tổ chức cũng sẽ rất vui nhộn.

Khi đến với lễ hội ở Nhật Bản, tôi mới hay một thông tin bất ngờ, ở đất nước này có cả trăm đơn vị nghệ thuật thường xuyên biểu diễn phục vụ thiếu nhi. Họ có nhiều cách đưa sân khấu đến với khán giả nhí, trong đó có một cách, tôi thấy rất đơn giản nhưng hiệu quả, đáng phải học hỏi. Đó là việc tổ chức biểu diễn trong một khán phòng không có ghế ngồi với sức chứa chỉ vài trăm người. Trong một không gian đơn giản như thế, nhưng sẽ tạo cảm giác rất gần gũi, các em thiếu nhi thích thú xem và có thể “lăn lê bò toài”, cười hả hê với những tiết mục mà mình thích. Tôi cảm nhận một điều, hầu hết các đơn vị nghệ thuật ở Nhật Bản đều chú trọng đến việc đi tìm khán giả trẻ. Đây cũng là câu trả lời cho việc tại sao ở Nhật Bản lại có nhiều đơn vị nghệ thuật phục vụ thiếu nhi.

Bên cạnh đó, ở Nhật Bản luôn duy trì và thường xuyên tổ chức những “mùa” lễ hội, biểu diễn phục vụ khán giả, đi đâu cũng gặp không gian sân khấu, lễ hội rất ấn tượng. Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh này, bỗng dưng tôi cảm thấy chạnh lòng. Tại sao? Ở Việt Nam hiện nay, có quá ít đơn vị nghệ thuật thường xuyên làm những chương trình phục vụ thiếu nhi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta chưa chú trọng đến việc đi tìm những thế hệ khán giả trẻ cho sân khấu tương lai.

Tôi nghĩ, trong thời buổi các trò chơi điện tử bùng nổ khắp nơi, từ thành thị cho đến nông thôn, trong đó có những mặt hạn chế dễ gây tác hại đến trẻ nhỏ, mà chúng ta lại có quá ít những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi thì thật khó “giành giật” được các em về với sân khấu. Tôi luôn ước mong, hàng năm, chúng ta nên có những liên hoan, ngày hội sân khấu dành cho thiếu nhi. Hiện nay, tôi rất mừng là trong năm học 2009-2010, Hội đồng Đội TPHCM đã đồng ý cùng chúng tôi đưa sân khấu thiếu nhi đến phục vụ rộng rãi học sinh các trường học ở 24 quận-huyện trên địa bàn TPHCM. Chương trình sẽ chính thức diễn ra từ tháng 9-2009 này…”.

Đang hào hứng về một lễ hội ở Nhật Bản đã mang lại cho anh nhiều điều thú vị, bổ ích, bỗng đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn hạ giọng, vẻ mặt ưu tư: “Qua lễ hội ở Nhật Bản, tôi thấy âm nhạc truyền thống của Việt Nam rất thú vị với người nước ngoài, nhưng dường như mảnh đất màu mỡ này chưa được khai thác…”.

Có lẽ, chính điều này đã thôi thúc “bầu” Tuấn, ngay khi mới về đến Việt Nam, đã nhanh chóng bắt tay xúc tiến dự án xây dựng Nhà hát nghệ thuật dân tộc Nón Lá TPHCM (có thể đặt tại Rạp hát Long Phụng) chuyên biểu diễn: hát bội, chèo, âm nhạc dân tộc...

Bên cạnh đó, anh cũng đang bàn thảo với các nghệ sĩ để làm sao khẩn trương hình thành nên nhà hát dành cho cải lương. Anh cho biết: “Ở TPHCM, có một gia tộc năm đời đi theo nghiệp hát, lại rất nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống, đây là niềm tự hào. Tôi đang khẩn trương bàn bạc với thành viên của gia tộc này – NSND Thanh Tòng, để đưa ra những kế hoạch cụ thể cho nhà hát này. Về địa điểm đặt nhà hát, có thể là Cung VHLĐ TPHCM…”.

Trong cùng lúc, “bầu” Tuấn “đa mang” nhiều như thế, liệu kế hoạch có thành thực tiễn. Anh tự tin: “Nhất định, tôi sẽ nỗ lực ra mắt được hai nhà hát này trong nay mai!” 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục