Giảm giá dịch vụ y tế, có giảm chất lượng?

Trước thời điểm điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế theo Thông tư 15/2018-BYT của Bộ Y tế (ngày 15-7) tại tất cả các bệnh viện (BV) cùng hạng, chiều 12-7, Báo SGGP đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người dân hưởng lợi” (ảnh).
Giảm giá dịch vụ y tế, có giảm chất lượng? ảnh 1
 Tại đây, đại diện Sở Y tế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TP cùng Bệnh viện Ung bướu TP đã giải đáp hơn 100 câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc xung quanh đợt điều chỉnh giá lần này. Trong đó, các vấn đề chất lượng dịch vụ, giá cả; nguồn thu nhập đội ngũ ngành y được nhiều độc giả đặc biệt quan tâm.
Người dân được hưởng nhiều hơn
Theo Thông tư 15, hầu hết các dịch vụ trong đợt điều chỉnh giá lần này được giảm giá, tập trung chủ yếu những dịch vụ thông thường có tần suất sử dụng nhiều như khám bệnh, chụp CT, siêu âm, nội soi, giá giường nằm... Tuy nhiên, bạn đọc Lam Giang (huyện Bình Chánh, TPHCM) thắc mắc: Dù giá giảm nhưng số lượt khám/bàn khám/ngày lại tăng từ 50 lên 65 lượt. Như vậy, bác sĩ (BS) có đủ thời gian để khám kỹ cho bệnh nhân? Bạn đọc Nguyễn Oanh (31 tuổi) cũng đặt câu hỏi khi áp dụng Thông tư 15, việc quy định thời gian khám của BS như thế nào để người bệnh không bị thiệt thòi? Trả lời vấn đề này, BS CK2 Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng khi khám chữa bệnh, mọi BS đều cố gắng thực hiện với chất lượng tốt nhất. Số lượng khám trong một ngày làm việc của BS tùy thuộc vào kinh nghiệm, tay nghề và sự phức tạp của bệnh lý. Đối với BS có kinh nghiệm, khi khám những bệnh lý đơn giản như bướu tuyến giáp, bướu tuyến vú thì lượt khám có thể từ 80 -  100 lượt/ngày. Tuy nhiên, khi gặp bệnh phức tạp thì có thể chỉ khám từ 20 - 30 lượt/ngày. Do vậy, nói rằng BS sẽ khám qua loa khi giảm giá dịch vụ là chưa hợp lý.  Bên cạnh đó, theo BS Diệp Bảo Tuấn, việc quy định định mức khám chữa bệnh theo Thông tư 15 sẽ giúp các y, BS có nhiều thời gian hơn khi khám cho một bệnh nhân cụ thể. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến thời gian chờ khám của người bệnh tăng lên. Trong tình huống này, BV Ung bướu chủ động tăng số bàn khám từ 30 lên 34 và tổ chức khám bệnh từ 5 giờ sáng để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân.
Giảm giá dịch vụ y tế, có giảm chất lượng? ảnh 2 Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM      Ảnh: Hoàng Hùng 
 Trong khi đó, bạn đọc Yến Nhi (quận 3, TPHCM) dẫn quy định tại Thông tư 15 rằng đối với các cơ sở y tế nếu như 1 ngày vượt quá 65 lần khám/bàn khám thì từ lần khám 66 sẽ chỉ được BHYT chi 50%. Vậy nếu những người dân khám ở những lượt 66 trở đi có bị mất quyền lợi? Trả lời vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết trong Thông tư 15 có quy định định mức 65 lần khám/bàn khám để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, tránh qua loa, đại khái. Tuy nhiên, nếu các cơ sở khám chữa bệnh vượt quá định mức trên, phải tổ chức thêm bàn khám để đảm bảo khám chữa bệnh theo yêu cầu của người dân.
Đảm bảo quyền lợi  cho y, bác sĩ Trước sức ép về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và nguồn thu của BS, bạn đọc Hồ Hưng (huyện Bình Chánh) hỏi trước đây, ngành y tế vẫn than thở thu nhập của BS thấp, lương không đủ sống, nay lại giảm giá dịch vụ y tế có phải là nghịch lý hay không? Trả lời vấn đề này, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế TPHCM), cho rằng khi nguồn thu của BV bị giảm, để giữ thu nhập cho đội ngũ thì BV phải tăng cường quản lý và sử dụng chi phí khám chữa bệnh hợp lý. Bên cạnh đó, các BV cần mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao (giúp giảm số lượng bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh, nâng cao năng lực các BV chuyên khoa đầu ngành) hoặc các dịch vụ theo nhu cầu của người bệnh để thu hút thêm bệnh nhân, tăng nguồn thu cho BV.  Giảm giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng quyền lợi, đặc biệt là thu nhập cho đội ngũ cán bộ y tế, dẫn đến việc các BS giỏi bỏ đi nơi khác lương cao hơn? Theo BS Diệp Bảo Tuấn, giảm giá dịch vụ y tế tất yếu ảnh hưởng đến nguồn thu của BV. Tuy nhiên, với BV Ung bướu, đã có phương án điều tiết các khoản thu - chi khác để bảo đảm không ảnh hưởng đến thu nhập của BS và nhân viên BV. Ngoài ra, lãnh đạo BV rất lưu tâm phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các BS có môi trường làm việc tốt, được tham gia học tập trong nước và ngoài nước. Vì vậy, trong những năm qua, chỉ có vài BS bỏ việc tại đây vì nhiều lý do. Theo các chuyên gia, Thông tư 15 là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật, tăng số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, hạn chế chỉ định kỹ thuật, thủ thuật không cần thiết… 
Theo Thông tư 15/2018/TT-BYT, có 70 dịch vụ y tế được giảm giá. Trong đó, 6 giá khám bệnh (của 5 hạng BV và trạm y tế xã) giảm bình quân 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng BV và các loại giường) giảm bình quân 6% và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm giảm bình quân 24%. Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ (7 giá ngày giường, chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm). Bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật, người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được bảo hiểm xã hội thanh toán. Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi)... 

Tin cùng chuyên mục