Giảm họp hành, nâng cao hiệu quả quản lý

Mới đây, trả lời báo chí, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một bộ máy không giấy tờ, ít họp hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí cho xã hội, người dân, doanh nghiệp. Bạn đọc Báo SGGP đã góp ý, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu này.
UBND phường 14 quận Gò Vấp (TPHCM) áp dụng công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính, thuận lợi cho người dân và nâng hiệu quả quản lý. Ảnh: TRẦN YÊN
UBND phường 14 quận Gò Vấp (TPHCM) áp dụng công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính, thuận lợi cho người dân và nâng hiệu quả quản lý. Ảnh: TRẦN YÊN

Không lãng phí thời gian hội họp

Trong công tác quản lý nhà nước ở nước ta, các cuộc họp sơ kết, tổng kết, hội nghị, động thổ, khánh thành… đã gây lãng phí thời gian rất nhiều. Trong nhiều hội nghị tổng kết, phần thủ tục giới thiệu khách mời quá dài, nội dung phát biểu chủ yếu chỉ là lần lượt đọc lại những báo cáo, tham luận đã có in phát cho mọi người dự họp, chứ không có thảo luận, nên nặng tính hình thức.

Báo cáo kể thành tích của đơn vị, ngành, địa phương chiếm gần hết; còn phần khuyết điểm, tồn tại vướng mắc, bức xúc của người dân và đề xuất các biện pháp tháo gỡ lại rất sơ sài và quá ngắn. Báo cáo dài nên ở trên đọc cứ đọc, ở dưới nói chuyện, nghe điện thoại, bàn việc riêng vẫn cứ “vô tư”,  có một số đại biểu chỉ dự một chút rồi lặng lẽ ra về trước.

Cách họp tổng kết như vậy đem lại hiệu quả rất ít, gây lãng phí thời gian, kinh phí và ngày công lao động của xã hội. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản nhắc nhở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp, các ngành, các địa phương kiên quyết giảm bớt hội họp không cần thiết, cán bộ phải quan tâm đi cơ sở.

Dịp cuối năm, mùa hội nghị tổng kết, việc nhắc lại điều này là không thừa. Nên chuẩn bị kỹ nội dung khi tổ chức hội nghị tổng kết nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, chi tiêu tiết kiệm, không liên hoan linh đình quà cáp biếu xén gây lãng phí. 

                                                                       ĐỖ THÔNG, TP Vũng Tàu

Nên giải thể các ban chỉ đạo không cần thiết

Để đạt mục tiêu “Chính phủ không giấy tờ, ít họp hành” còn rất nhiều việc phải làm, cần sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Nhằm giảm bớt họp hành, giấy tờ, nên xem xét giải thể các ban chỉ đạo, hội đồng phối hợp không cần thiết.

Thực tế hiện nay vẫn có một số ban chỉ đạo, hội đồng phối hợp hoạt động khá hiệu quả, tích cực, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong khi thực hiện một số công việc chuyên môn có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Tuy nhiên, nhiều ban chỉ đạo, hội đồng phối hợp hoạt động hình thức, không cần thiết, nhất là ở địa phương, cơ sở. Bởi lẽ, phần lớn các định hướng công tác chuyên môn, nội dung phối hợp đều được thực hiện ở cấp trung ương, còn ở địa phương chỉ là cấp thực hiện. 

Việc thành lập một số ban chỉ đạo, hội đồng là không cần thiết, không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nên khẩn trương rà soát, giải thể, sắp xếp lại. Minh chứng là nhiều địa phương đã giải thể, sáp nhập các ban chỉ đạo, hội đồng, nhưng cũng không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn được giao; mặt khác, cán bộ, công chức được giảm họp hành, có thời gian tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn. Như vậy, công việc sẽ được triển khai sớm, trôi chảy, giải quyết nhanh hơn vì không phải chờ họp. 

   PHẠM VĂN CHUNG, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Xây dựng kênh thông tin giải quyết phản ánh người dân

Hiện trên địa bàn TPHCM, mỗi ngày có rất nhiều phản ánh của người dân liên quan đến vấn đề dân sinh cần được giải quyết. Do vậy, rất cần có một đầu mối tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân một cách nhanh chóng, kịp thời.

Với công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, ở một số địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai dịch vụ tiếp nhận phản ánh của người dân qua mạng xã hội Zalo, Facebook, hoặc trang web riêng. Người dân có thể gửi đơn phản ánh, chụp hình, quay video lại các chứng cứ, để phản ánh, thuận tiện cho chính quyền nắm bắt, giải quyết. 

Các kênh thông tin riêng còn giúp chính quyền từng địa phương dễ dàng tuyên truyền, cập nhật những thông tin, chính sách đến từng hộ dân, hoặc nhanh chóng cảnh báo các thủ đoạn, hành vi của đối tượng xấu để người dân kịp thời đề phòng, cảnh giác.

Chính quyền từng địa phương nên xây dựng kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân riêng và kèm theo đó là thành lập đội phản ứng nhanh một cách đồng bộ.

Cách làm này không chỉ giúp chính quyền có cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, mà còn giúp công tác chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, tạo sự hài lòng, tin tưởng vào bộ máy chính quyền.

HUỲNH THU HIỀNquận Gò Vấp, TPHCM

Tin cùng chuyên mục