Gian nan chống gian lận thi cử

Áp lực thi cử, áp lực vào đại học ngày càng gia tăng với giới trẻ Trung Quốc. Chính vì thế, chuyện bỏ tiền ra để bằng mọi giá có được tấm bằng này, bằng nọ trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Trung Quốc. Theo tạp chí Foreign Policy, bất chấp các cơ chế và công nghệ chống gian lận trong kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm gần đây, tiêu cực vẫn xảy ra.

Vào đầu tháng 6-2014, khi cơn sốt của các kỳ thi quốc gia tăng cao, gần 10 triệu thí sinh bước vào trung tâm thử nghiệm hệ thống “gakao”, gồm máy quay video, máy quét thẻ, máy xác định vân tay, máy dò kim loại sân bay… không thua gì các biện pháp chống khủng bố. Đối với nhiều bậc phụ huynh và học sinh, đại học đã trở thành điều gì đó quá quan trọng với họ vì nó sẽ đánh dấu đường đời sau này của các em trong một xã hội mà sự phân cực giàu nghèo đang ngày càng lớn.

Đối với nhiều học sinh có năng lực thực sự, gakao là cơ hội cuối cùng để cạnh tranh dựa trên khả năng của chính mình. Nhưng gian lận không vì thế mà chấm dứt. Các thiết bị công nghệ cao như tai nghe cực nhỏ khó bị phát hiện hay máy ảnh ẩn trong chiếc đồng hồ… thậm chí bằng cách cổ điển hơn là dùng tiền mua chuộc đều được vận dụng. Vào ngày 17-6, tức 10 ngày sau khi kỳ thi của năm 2014 kết thúc, Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), đã công bố vụ gian lận thi cử lớn với sự tham gia của 165 người.

Tại trường đại học nổi tiếng ở Vũ Hán, một thành phố lớn ở Trung Quốc, một người đàn ông tự xưng là “sư phụ Lý” cho dán quảng cáo bảo đảm thi đậu đại học ngay tại trường này. Một phóng viên tên Li của CCTV vào vai một học sinh trung học quan tâm đến các quảng cáo của ông để có thể thi đậu vào đại học ưu tú với giá lên đến 8.000 USD và đảm bảo sau khi ra trường có mức lương ổn định tại Vũ Hán. Còn nếu muốn vào các trường đại học hạng hai, Li phải chi cho ông Lý 3.000 USD. Li đưa tiền và được biết sẽ có người thi hộ và chuyện vượt qua hệ thống kiểm tra “gakao” cần thêm 11.000 USD.

Khách hàng của sư phụ Lý đa số là những người giàu. Những người thi hộ sử dụng một lớp màng vân tay giả đeo trên ngón tay, nhưng giám thị không kiểm tra. Ở kỳ thi diễn ra trong hai ngày này, tất cả những người thi hộ cho phóng viên Li đều hoàn thành trót lọt bài thi mà không gặp sự cố nào.

Sau khi CCTV phát sóng vụ gian lận, Bộ Giáo dục Trung Quốc cam kết xử lý mạnh những người tổ chức đường dây này và cả những người liên quan như giám thị gác thi, cha mẹ và thí sinh. Tuy nhiên, theo dư luận, việc triệt phá những đường dây này không đủ để ngăn chặn các vụ gian lận trong tương lai. Dù cho kỹ thuật và kỷ luật phòng thi có chặt chẽ như thế nào đi nữa, áp lực về tấm bằng đại học còn nặng nề trong xã hội vẫn là môi trường tốt để phát sinh tiêu cực.

Nhiều nhà quan sát cho rằng quan trọng hơn là làm sao thay đổi quan niệm về bằng cấp và giảm cách biệt thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh đó là việc chú trọng hơn nữa những bài học đạo đức ngay từ bé cho công dân.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục