Giảng dạy lý luận chính trị phải gắn với thực tiễn

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; phân tích nguyên nhân dạy và học lý luận chính trị chưa chất lượng và hiệu quả.

Chiều 4-4, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị (LLCT)” tại học viện.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM nhấn mạnh, tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục LLCT theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI cũng xác định “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân”.

Giảng dạy lý luận chính trị phải gắn với thực tiễn ảnh 1 Quang cảnh hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, với mục tiêu trở thành đơn vị có uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, Học viện Cán bộ TP đã tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục LLCT, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ LLCT và kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức.

Dù vậy,  PGS.TS Nguyễn Tấn Phát đánh giá công tác giáo dục LLCT còn những hạn chế nhất định. Qua đó, Giám đốc Học viện Cán bộ TP mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận về tầm quan trọng, khó khăn, thách thức và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn LLCT trong chương trình Trung cấp LLCT và chương trình đào tạo tại học viện. Song song đó, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc vận dụng văn kiện đại hội vào công tác giảng dạy LLCT.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; phân tích về nguyên nhân dạy và học LLCT chưa chất lượng và hiệu quả. TS Tần Xuân Bảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, nội dung chương trình các môn LLCT phải có tính thiết thực, hiện đại, mang tính thực tiễn cao. Người dạy phải có phương pháp truyền đạt, ngắn gọn, dễ hiểu, tạo được không khí cuốn hút. Đồng thuận với ý kiến trên, TS Thân Ngọc Anh, Trưởng khoa Triết học, Học viện Chính trị Khu vực II cũng đánh giá, phương pháp giảng dạy là yếu tố căn bản nhất để nâng cao chất lượng đào tạo LLCT. Ở đó, người dạy phải dày dặn về kiến thức chuyên môn và đa dạng thực tiễn, phải so sánh được thực tế trong và ngoài nước; tăng cường đi thực tế; truyền được cảm hứng nghiên cứu, học tập cho học viên. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến việc tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ tiếp cận các hội thảo chuyên đề; đào tạo giảng viên đa năng, có thể giảng dạy ở nhiều chương trình đào tạo; chú trọng đảm bảo thu nhập cho giảng viên để họ yên tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. 

Kết luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cho biết, hội thảo đã nhận được 37 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý và giảng viên các trường Chính trị tại TPHCM và các tỉnh, thành; đồng thời ghi nhận các ý kiến phát biểu, thảo luận sâu, đi vào cụ thể từng vấn đề của các đại biểu tham dự hội thảo. PGS.TS Nguyễn Tấn Phát khẳng định, đây là chất liệu để Học viện Cán bộ TP căn cứ, nghiên cứu để tiếp tục đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn LLCT trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của học viện.

Tin cùng chuyên mục