Giao đất, quản lý, sử dụng đất ở Đồng Nai: Nhiều dự án dính sai phạm

Thời gian qua, nhiều dự án khu dân cư (KDC) tại tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu thiếu sót, sai phạm trong giao đất, quản lý, sử dụng đất, nguy cơ gây thất thoát ngân sách lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó có những vụ việc kéo dài. Điển hình mới nhất là vụ việc ở KDC Phước Thái (phường Tam Phước, TP Biên Hòa) bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt giam một loạt cán bộ, cá nhân liên quan.
Dãy nhà liên kế dự án KDC Bình Đa đã xây xong
Dãy nhà liên kế dự án KDC Bình Đa đã xây xong

Lập hồ sơ khống, rút tiền nhà nước

KDC Phước Thái có diện tích gần 9ha, được coi là khu “đất vàng” nằm ngay mặt tiền quốc lộ 51 do Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái (Công ty Phước Thái) làm chủ đầu tư. Dự án đang chào bán công khai 4 dãy nhà liền kề (trị giá 3,7-4 tỷ đồng/căn), cùng 600 nền đất (90m2/nền có giá 1,5-1,6 tỷ đồng, tùy vị trí). 

Khu đất trên vốn được địa phương cho Công ty Kia - Huy Hoàng Ceramics thuê (thời hạn 20 năm) để xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng theo Quyết định số 783/TTg ngày 2-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dự án không triển khai được nên sau đó công ty này đã trả lại đất cho tỉnh. Đến ngày 30-6-2016, UBND tỉnh Đồng Nai ký Quyết định số 2041/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, giao khu đất cho Công ty Phước Thái làm chủ đầu tư xây dựng KDC Phước Thái, quy mô dân số 1.812 người. Đến ngày 26-6-2017, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 2152/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao hơn 4,2ha đất ở (thời hạn sử dụng 50 năm, có thu tiền sử dụng đất), hơn 3,7ha xây dựng cơ sở hạ tầng (không thu tiền sử dụng đất) và cho thuê hơn 1ha sử dụng vào mục đích thương mại - dịch vụ (hình thức trả tiền 1 lần). 

Theo tìm hiểu của phóng viên, KDC Phước Thái là dự án xây dựng kết hợp thương mại - dịch vụ, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Đặc biệt, khu đất đã được bồi thường, hỗ trợ lần 1 vào năm 2007, nhưng khi lập dự án, Công ty Phước Thái lập hồ sơ khống để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thêm một lần nữa từ ngân sách với số tiền sai phạm lên tới hơn 70 tỷ đồng. Vụ việc bị người dân phát giác, tố cáo đến cơ quan chức năng và sau thời gian xác minh, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 11 bị can để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” quy định tại Điều 230, Bộ luật Hình sự. 

Đáng chú ý, trong vụ án này, cơ quan chức năng đã xác định có sự liên quan của nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai Lê Viết Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Tấn Long và một số nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khác đang bị điều tra.  

Nhập nhằng dự án nhà ở xã hội với thương mại

Dự án KDC Bình Đa nằm trên địa bàn phường Bình Đa, TP Biên Hòa, do Công ty CP Phát triển nhà Bình Đa (Bidaco) làm chủ đầu tư. Công ty Bidaco có 3 cổ đông, trong đó Công ty Dofico góp 22 tỷ đồng (tương đương 24,4% vốn điều lệ) bằng giá trị tài sản và vị trí địa lý khu đất 2,3ha “đất vàng” nằm trên mặt tiền đường Vũ Hồng Phô. Hiện dự án đã xây dựng xong các khối nhà 1 trệt 3 lầu (tương ứng với các khu A, B, C, D) và đang trong giai đoạn hoàn thiện 14 căn biệt thự (khu E) được môi giới chào giá 5,5-6 tỷ đồng/căn. Thế nhưng, dự án này nhập nhằng trong chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Khu vực hồ bơi kết hợp các dịch vụ ăn uống tại KDC Phước Thái

Ngày 29-6-2016, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 2017/QĐ-UBND về việc chấp thuận đầu tư Dự án KDC Bình Đa để phục vụ nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên Công ty Dofico và các dự án đầu tư của công ty này. Theo đó, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 200 cán bộ, công nhân viên của Dofico và 200 y, bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Phụ sản quốc tế, cung cấp căn hộ - tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực với các dự án do Dofico làm chủ đầu tư, như: Khu du lịch Bửu Long, Khu liên hiệp công nông nghiệp. Dự án có quy mô 235 căn hộ gồm chung cư, nhà liên kế và biệt thự, thời gian xây dựng 5 năm (2016-2020) với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp là 200 tỷ đồng, còn lại là vốn vay thương mại. 

Tiếp đó, ngày 14-11-2016, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai có Tờ trình số 1136/TTr-STNMT gửi UBND tỉnh về việc Công ty Bidaco xin giao đất xây dựng Dự án KDC Bình Đa và cùng ngày, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3820/QĐ-UBND giao đất cho Công ty Bidaco để đầu tư xây dựng dự án. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành thu hồi 22.977m2 đất đã cấp cho Công ty Dofico đang quản lý sử dụng để giao toàn bộ cho Công ty Bidaco đầu tư xây dựng, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất diện tích 14.000,6m2, và giao không thu tiền sử dụng đất diện tích 8.976,4m2. Đến tháng 10-2017, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có quyết định điều chỉnh quy mô Dự án KDC Bình Đa từ 235 căn lên 325 căn với tổng diện tích xây dựng hơn 54.000m2, vốn đầu tư nâng lên 700 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, ngày 10-12-2019, UBND tỉnh Đồng Nai lại có Quyết định số 4036/QĐ-UBND dừng thực hiện Dự án KDC Bình Đa để chuyển đổi mục tiêu của dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Và gần 2 năm sau, ngày 26-11-2021, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai mới có Tờ trình số 1059/TTr-STNMT gửi UBND tỉnh ra quyết định “Hủy Quyết định số 3820/QĐ-UBND ngày 14-11-2016 về việc giao đất cho Bidaco”.

Làm rõ nhiều dự án có sai phạm 

Ngoài 2 dự án trên, hàng loạt dự án khác liên quan giao đất, quản lý, sử dụng đất tại Đồng Nai có dấu hiệu “khuất tất” và đang làm rõ sai phạm. Cụ thể, tỉnh giao đất sử dụng lâu dài, điều chỉnh giảm diện tích, cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) và giao đất công cộng để kinh doanh tại dự án Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ thị trấn Long Thành không đúng quy định. 

Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện 16 dự án nhưng chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế. Đáng chú ý, tỉnh Đồng Nai đã xác định giá đất và phê duyệt đơn giá đất đối với các dự án Khách sạn 3 sao, nhà hàng, siêu thị và văn phòng cho thuê Trảng Bom; KDC núi Dòng Dài; KDC xã An Phước, Long Thành; KDC phường Thống Nhất (TP Biên Hòa); Kho ngoại quan và cung cấp dịch vụ logistics; KDC sinh thái và nhà vườn Sen Việt (huyện Nhơn Trạch) không đúng quy định. 

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 1739/KL-TTCP xác định, số tiền sai phạm trong quản lý, sử dụng đất lên đến hơn 335,20 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu thu hồi gần 154 tỷ đồng tiền miễn giảm thuê đất cho nhiều dự án khi chưa đủ điều kiện (tính đến ngày 31-12-2018), nộp ngân sách nhà nước.

Liên quan đến cụm công nghiệp không phép Phước Tân (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) có diện tích hơn 72ha được hình thành tự phát hơn 10 năm qua trên đất quy hoạch công viên và rừng trồng, nhưng nhiều cá nhân ồ ạt vào đây lập doanh nghiệp, xây dựng trái phép nhà xưởng, giờ đã lên đến 280ha (như Báo SGGP phản ánh ngày 7, 8-9-2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai vừa thống nhất chủ trương không tiếp tục trình Chính phủ bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp đối với diện tích 280ha. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân có trách nhiệm để xảy ra tình trạng xây dựng không phép trên diện tích 72ha ban đầu. Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang cơ quan CSĐT để điều tra làm rõ vi phạm trong quản lý và sử dụng đất tại cụm công nghiệp Phước Tân.

Tin cùng chuyên mục