Giáo sư Hà Văn Tấn, người cuối cùng của “tứ trụ” sử học Việt Nam đương đại đã ra đi

Tối 27-11, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn, một trong “tứ trụ” sử học Việt Nam đương đại, đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian lâm bệnh kéo dài.

GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn
GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn

GS Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du), một vùng đất, một dòng họ hiếu học và có truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài.

Khi còn nhỏ, GS Hà Văn Tấn sống và học tập ở quê hương, thừa hưởng truyền thống gia đình, dòng họ và mảnh đất văn hiến nơi ông sinh ra. Đầu năm 1955, sau khi tốt nghiệp lớp 9, ông ra Hà Nội. Sau một năm vừa học vừa làm vất vả, Hà Văn Tấn quyết định vào học khoa Sử, ĐH Sư phạm.

Năm 1957, ở tuổi 20, GS Tấn đã tốt nghiệp đại học và ở lại trường làm cán bộ bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, ĐH Sư phạm, do GS Đào Duy Anh phụ trách. GS Hà Văn Tấn là Chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử (1982 - 2009); Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) (1988-2008).

Giáo sư Hà Văn Tấn, người cuối cùng của “tứ trụ” sử học Việt Nam đương đại đã ra đi ảnh 1 Bộ tứ sử học đương đại gồm GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê với người thầy của mình là GS-NGND Trần Văn Giàu và phu nhân
Trong cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước.
GS Hà Văn Tấn còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách. Ông được phong hàm giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (2000) và nhiều huy chương khác. GS Hà Văn Tấn được các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa Lịch sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội, phong là một trong tứ trụ "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (gồm các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của nền sử học Việt Nam đương đại.

Với học trò và đồng nghiệp, ông là một con người “siêu việt”. Nhờ tự học ông đã thông thạo, sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, học tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc rồi còn tự tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn) - một ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại rất khó học thông qua tiếng Đức.

Riêng tiếng Việt, cũng với phương pháp tự học, ông giỏi ngôn ngữ đến mức trở thành hội viên Hội Ngôn ngữ Việt Nam và được nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo mời cùng làm ngôn ngữ học. Với ông, ngôn ngữ chỉ là cái chìa khóa chứ không phải mục đích và quả vậy, ngoại ngữ đã giúp ông rất nhiều trên hành trình khoa học của mình.

Về GS Hà Văn Tấn, lúc đương thời GS Phan Huy Lê đã viết: "Tác phẩm đầu tay của anh Tấn là hiệu đính và chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi do cụ Phan Duy Tiếp dịch, xuất bản năm 1960 lúc anh mới 23 tuổi. Tài năng và phong cách khoa học của anh đã được bộc lộ ngay trong công trình đầu tay này".

Sau đó, khi bước chân sang lĩnh vực khảo cổ, GS Hà Văn Tấn để lại dấu ấn của mình trên lĩnh vực ấy với những sản phẩm khoa học được đánh giá cao. Với ông, không bao giờ học để học. "Muốn học có kết quả môn nào thì phải biết gắn những điều đã học với nghiên cứu giảng dạy; say mê không đủ, phải bền gan, và có chút ít liều mạng, liều mạng một cách nghiêm túc!", GS Hà Văn Tấn thường căn dặn học trò.

Năm 2001, GS Hà Văn Tấn bất ngờ lâm bệnh nặng, không nói, không đi lại được, song trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ viết vẫn rất minh mẫn, vẫn xuất bản tác phẩm, say mê đọc sách, theo dõi những thông tin khoa học mới trong và ngoài nước… Sau gần 20 năm chống chọi với bệnh tật, vẫn biết quy luật của tạo hóa sẽ không chừa ai, nhưng sự ra đi của GS Hà Văn Tấn vẫn làm bao thế hệ học trò, đồng nghiệp phải bàng hoàng, đau đớn.

Giờ đây, GS Hà Văn Tấn, người cuối cùng của “tứ trụ” huyền thoại của lịch sử đương đại (GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê) đã ra đi. Song, những cống hiến của ông trong lĩnh vực sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ học… sẽ luôn sống mãi.

Tin cùng chuyên mục