Cửa ngõ Tây Bắc thành phố
Bộ mặt giao thông ở cụm khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố thời gian qua thường xuyên được các ngành chức năng đưa ra các biện pháp cải tạo, chấn chỉnh từ đó giúp giao thông đi lại có nhiều chuyển biến.
Còn nhớ cách đây chưa lâu lắm, mỗi khi nhắc tới tình trạng quá tải về giao thông đi lại ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố, người ta lập tức nghĩ ngay đến hàng loạt điểm nóng, trong đó, có thể nhắc đến những tuyến đường như đường Trường Chinh, ngã tư An Sương, tuyến quốc lộ 22, ngã tư Ga, cầu Phú Long, tỉnh lộ 9-Củ Chi, tỉnh lộ 14 huyện Hóc Môn…
Mỗi ngày rất nhiều phương tiện giao thông đi qua khu vực cầu vượt Ngã tư An Sương. Ảnh: CAO THĂNG
Đặc biệt trên đường Trường Chinh, đoạn từ An Sương đến Cộng Hòa, trước khi được cải tạo mở rộng, tuyến đường này có mật độ giao thông dày đặc thuộc loại cao nhất nhì thành phố. Đoạn đường này chỉ rộng từ 8-10m nhưng lại có nhiều nút thắt cổ chai như những điểm giao với đường Cộng Hòa, Phan Huy Ích, Phan Văn Hớn… hoặc tại cổng Khu công nghiệp Tân Bình.
Trong khi đó tỉnh lộ 9, ngoài chức năng là một trong những trục đường chính của huyện Hóc Môn và Củ Chi, đây còn là trục giao thông liên khu vực, nối từ trung tâm thành phố đến khu vực phía Bắc cũng như nối với tỉnh Bình Dương. Do đặc thù này, mật độ giao thông trên tỉnh lộ 9 khá cao, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng rất lớn. Ngoài ra, trên tỉnh lộ 9 chỉ rộng 5-6m còn hàng chục cây cầu chỉ có tải trọng 8 tấn, thậm chí cầu Rạch Tra bắc qua sông Rạch Tra tại vị trí ranh giới giữa hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, chỉ rộng 3,5m và xe tải trọng 5 tấn phải đi qua từng chiếc một!
Hình ảnh cầu Rạch Tra cũ kỹ, lạc hậu, chỉ cho xe đi một chiều và kéo dài nhiều năm chưa được sửa chữa dạo ấy vừa mang tính tiêu biểu cho bức xúc hạ tầng giao thông tại cửa ngõ Tây Bắc thành phố, vừa như một thách thức lớn cho sự phát triển một khu vực rộng lớn bên bờ tây sông Sài Gòn. Bởi vì ở bờ phía Đông của dòng sông này là thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - lúc ấy đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Nay thì tình hình đã khác đi rất nhiều. Ngành giao thông vận tải thành phố, thông qua Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 - đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải quản lý địa bàn cửa ngõ Tây Bắc thành phố, đã cải tạo hệ thống giao thông ở cụm khu vực cửa ngõ này.
Sau khi được xác định là diện công trình trọng điểm, cầu Rạch đã được thông xe kỹ thuật, cho phép xe có tải trọng 10 tấn lưu thông. Cầu Phú Long mới, nối liền TPHCM và tỉnh Bình Dương đã xây dựng hoàn thành, thông xe từ ngày 1-2-2012. Dự án mở rộng nâng cấp tỉnh lộ 9 bao gồm hạng mục xây dựng 10 cầu trên tuyến đã hoàn thành cầu Rạch Dứa, cầu Bà Đế, cầu Chữ Cua và cầu Vàm Thầy. Còn tuyến đường Trường Chinh sau khi được cải tạo mở rộng lên 60m để phục vụ 6 làn xe và 2 làn xe song hành năm 2004 không những cải thiện đáng kể tình trạng quá tải giao thông kinh niên trên tuyến, mà còn được xem như một thành tựu về giao thông của thành phố cũng như là một trong những con đường đẹp nhất thành phố với các mảng xanh.
Gần đây hơn, vào cuối tháng 11, một loạt điểm nóng giao thông khác tại khu vực cũng đã được chấn chỉnh, nâng cấp, mở rộng. Quốc lộ 22 đoạn từ đường Giáp Hải đến đường Nguyễn Văn Hoài dài 700m đi qua huyện Củ Chi được mở rộng. Đoạn quốc lộ này trước khi mở rộng rất bức bối về giao thông do bị thắt cổ chai đồng thời nằm trước cổng Bến xe Củ Chi và Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Hàng ngày lượng công nhân và người dân tham gia giao thông ở khu vực này rất đông đúc, đặc biệt trong giờ cao điểm. Không chỉ mở rộng mặt đường thêm 2-3m cho mỗi bên dành riêng cho xe hai bánh lưu thông, cơ quan chức năng còn lắp đặt giải phân cách để phân tách dòng lưu thông giữa ô tô và xe hai bánh, qua đó giảm thiểu rõ rệt nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Đầu tháng 12, điểm nóng tại giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn thuộc quận Gò Vấp vừa được hoàn thành phần mở rộng cục bộ. Cụ thể, đường Nguyễn Thái Sơn được mở rộng phía bên trái, đoạn từ Nguyễn Văn Nghi đến Phan Văn Trị, còn đường Phan Văn Trị được mở rộng phía bên phải cho đoạn từ Nguyễn Thái Sơn về phía ngã sáu Gò Vấp. Cả hai đoạn mở rộng này có cùng kích thước là từ 2-2,5m cho mỗi đường, tức là tăng thêm một làn xe lưu thông nữa. Cùng lúc với việc mở rộng mặt đường, ngành chức năng cũng dịch chuyển dải phân cách sang vị trí mới rồi phân bố lại làn đường thích ứng với phần đường vừa mở rộng.
Chuyển sang địa bàn quận 12 với điểm nóng giao thông ngã tư An Sương, các chuyên viên cho biết, trong khi chờ đợi giải pháp dài hạn và căn cơ là xây dựng hầm chui An Sương, trước mắt cơ quan chức năng vừa hoàn tất mở rộng thêm khoảng 3m tại góc đường quốc lộ 22 - quốc lộ 1 bằng cách điều chỉnh lại tiểu đảo ở đây. Trước đó, ô tô và xe hai bánh cùng đi chung làn khi rẽ phải từ quốc lộ 22 sang quốc lộ 1 vì thế việc mở rộng góc cua này không chỉ giúp làm tăng diện tích đường dành cho giao thông mà còn giúp tách làn rẽ phải giữa ô tô và xe hai bánh.
THIỆN NHÂN