Nhiều kẻ tấn công đã bị giết hoặc bị bắt giữ sau cuộc giao tranh ác liệt tại các trại quân đội ở thủ đô Bujumbura của quốc gia Đông Phi hôm nay.
Ít nhất 2 binh sĩ và 5 kẻ tấn công đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng ngày 11-12-2015. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, tiếng súng và tiếng bom nổ khắp Bujumbura vào rạng sáng hôm nay và vẫn nghe thấy sau khi trời sáng.
Các vụ nổ súng và đánh bom lẻ tẻ vào ban đêm đã trở nên phổ biến ở Bujumbura khi cuộc khủng hoảng nổ ra vào tháng 4, lúc Tổng thống Pierre Nkurunziza muốn tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba, mà đối thủ, thường gọi là "Sindumuja", cáo buộc là đã vi phạm một thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến năm 2005. Nkurunziza đã thắng trong cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi vào tháng 7.
Tuy nhiên, vụ tấn công hôm nay dữ dội hơn rất nhiều. "Sindumuja cố gắng tấn công các doanh trại quân đội nhưng đã thất bại. Tình hình đang trở lại bình thường khi vũ khí được thu giữ, nhiều tay súng Sindumuja bị giết hoặc bị bắt", Willy Nyamitwe, cố vấn truyền thông của Tổng thống Nkurunziza viết trên Twitter, mô tả cuộc tấn công là một nỗ lực nhằm giải cứu các tù nhân.
Các cuộc tấn công hôm nay diễn ra tại trại Ngagara ở phía Bắc Bujumbura, trại Muha và học viện cao cấp cho sĩ quan ISCAM ở phía Nam Bujumbura.
Cuộc khủng hoảng chính trị Burundi đã dẫn đến một cuộc đảo chính thất bại vào tháng 5. Nhiều người âm mưu đảo chính đã bị bắt và đối mặt bị truy tố. Một trong những viên tướng đứng sau cuộc đảo chính đó cho biết vào tháng 7 rằng nhóm của họ vẫn tìm cách lật đổ Tổng thống Nkurunziza.
Các chuyên gia lo ngại rằng quân đội Burundi, vốn được tái cấu trúc sau cuộc nội chiến để bao gồm cả binh sĩ chuyên nghiệp và các tay súng nổi loạn, có thể sụp đổ và làm cuộc xung đột thêm trầm trọng.
Đến nay, các phe trong cuộc khủng hoảng Burundi theo sự chia rẽ chính trị, nhưng phương Tây và các nước trong khu vực lo sợ những rạn nứt chủng tộc cũ có thể xuất hiện lại nếu bạo lực tiếp tục ngoài tầm kiểm soát.
Trong 12 năm nội chiến ở Burundi, các nhóm của người Hutu đa số, trong đó một nhóm do Tổng thống Nkurunziza đứng đầu, chống lại những nhóm của người Tutsi thiểu số.
Cuộc xung đột mới nhất này làm các quốc gia phương Tây lo ngại Burundi có thể rơi trở lại vào cuộc xung đột sắc tộc. Quốc gia Rwanda láng giềng cũng có sự pha trộn chủng tộc tương tự mà 2 thập niên trước đã dẫn đến một cuộc diệt chủng.
THIỆN NGUYỄN