Giấy tờ giả bủa vây, công chứng viên “tự cứu lấy mình”

Trước tình trạng sử dụng giấy tờ giả để giao dịch tài sản, trong khi nhiều quy định còn chưa chặt chẽ, hệ thống thông tin dữ liệu, công tác phối hợp còn hạn chế, các cơ quan chức năng và công chứng viên mách nhau “tự cứu lấy mình”.


Tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức hành nghề công chứng
Sáng 8-11, tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên” do báo Pháp luật TPHCM diễn ra với sự tham dự của Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh, đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, Công an TPHCM…
Thuê người đóng giả vợ, chồng, cha mẹ

Các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất là giấy tờ giả đã trở thành vấn nạn đáng báo động. Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng Phòng công chứng số 1 kể hầu như ngày nào cũng phát hiện việc giả mạo trong công chứng, hoặc là giả chủ thể, hoặc là giả giấy tờ. Có trường hợp công chứng bán căn nhà trên đường Võ Thành Trang (quận Tân Bình), chồng nhờ người đóng giả vợ làm giấy ủy quyền bán nhà. Ngược lại cũng có trường hợp vợ thuê người đóng giả chồng để ủy quyền bán nhà ở quận 2. Ở quận 8 còn có trường hợp con lấy giấy tờ thật rồi nhờ người giúp việc đóng giả bố mẹ ra công chứng bán nhà.

Ông Mai Việt Cường, Trưởng Văn phòng Công chứng Mai Việt Cường cho biết nhiều trường hợp giả… chính mình, như làm giả tình trạng hôn nhân để thế chấp tài sản.

Đại diện các tổ chức hành nghề công chứng bày tỏ băn khoăn khi tòa án xác định công chứng viên phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường thiệt hại trong các vụ việc giấy tờ giả “lọt cửa công chứng”.

Các đại diện này cho rằng cần phải chỉ ra lỗi của công chứng viên và mối quan hệ nhân quả giữa lỗi này với thiệt hại thực tế của đương sự thì mới buộc phải bồi thường. Còn nếu công chứng viên đã làm đúng quy trình thủ tục, làm hết trách nhiệm nhưng không thể phát hiện giấy tờ giả thì không phải bồi thường. Bởi hiện nay giấy tờ giả được làm một cách tinh vi, khi ra công chứng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn (chừng 30-60 phút), công chứng viên có rất nhiều việc phải kiểm tra nên rất khó để phát hiện ra được.

Trong khi đó, quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, cơ sở dữ liệu, sự liên thông phối hợp còn nhiều hạn chế.

Giấy tờ giả bủa vây, công chứng viên “tự cứu lấy mình” ảnh 2 Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh tại buổi tọa đàm
Cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt

Lý giải việc vì sao cơ quan điều tra phải đình chỉ nhiều vụ việc giả mạo giấy tờ, điều tra viên Lê Việt Hùng (Công an quận Bình Tân) cho biết, Điều 341 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật”. Tuy nhiên khái niệm “hành vi trái pháp luật” chưa được làm rõ, đôi khi còn những cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều tra viên Lê Việt Hùng dẫn chứng vụ việc, một anh nhân viên ngân hàng, làm giả giấy xác nhận tạm trú của Công an quận Bình Tân để làm thủ tục vay tiền. Công an xác định đây là hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức nên khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nhưng VKS cho rằng các giấy tờ tài liệu này chưa sử dụng vào hành vi trái pháp luật, cho nên hiện vụ án đình chỉ điều tra và chỉ xử phạt hành chính đối tượng này.

Ông Hùng khuyến cáo khi các quy định còn nhiều bất cập, thì các công chứng viên trong quá trình hành nghề trước tiên cần đảm bảo chặt chẽ quy trình thủ tục, thực hiện đúng quy định của Luật công chứng, tránh tối đa các sai sót.

Đảm bảo quy trình thủ tục cũng là lưu ý của Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh đối với các công chứng viên để “tự bảo vệ mình”. Ông Hạnh nhấn mạnh: “Việc thực hiện các quy trình cần phải nghiêm ngặt. Anh em làm ẩu thì phải xử lý nghiêm trước”.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng Phòng công chứng số 7

Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng Phòng công chứng số 7, cho biết, rất nhiều vụ việc giả mạo được Phòng phát hiện, báo công an nhưng một thời gian sau lại có quyết định đình chỉ vụ án vì không tìm được người làm giả giấy tờ. Sau khi đưa thông tin lên hệ thống thì chính ông lại gặp áp lực, đó là một số “anh em ngoài xã hội” tìm đến ngầm đe dọa, yêu cầu phải gỡ bỏ cảnh báo, ngăn chặn giao dịch tài sản. “Tôi trả lời là tôi không ngăn chặn giao dịch mà chỉ lưu ý là nhà đất này có giấy tờ bị tình nghi là giả để công chứng viên lưu tâm khi làm việc”, ông Thắng kể.

Tin cùng chuyên mục