“Gieo chữ” bằng… ngôn ngữ chân tay

“Gieo chữ” bằng… ngôn ngữ chân tay

Có lẽ ít có lớp học nào đặc biệt đến thế. Lẽ thường lớp học phải có tiếng đọc bài rôm rả của các cô cậu học trò và tiếng giảng bài của giáo viên. Thế nhưng đến với lớp học này, người ta chứng kiến những “tiếng” tập đọc “ú ớ” với đôi bàn tay.

Trong lớp học dành cho những người câm điếc đó, có cả ba thế hệ cùng học một chương trình đơn giản nhất. Họ làm quen với con chữ, tiếp cận tri thức qua những động tác của đôi tay cô giáo, đó là lớp học bằng thủ ngữ.

Cô giáo “khùng”

 Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nó chỉ còn là những câu chuyện của người đi trước kể lại trong những trưa hè với cơn gió Lào nóng nực. Thế nhưng, những “vết tích” của nó để lại trên người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thì vẫn mãi còn. 

“Gieo chữ” bằng… ngôn ngữ chân tay ảnh 1

Cô Oanh đang dạy bằng cử chỉ cho lớp học đặc biệt của mình

Năm 2003, với sự giúp đỡ của Cộng hòa Liên bang Đức, dự án “Tầm nhìn thế giới” (kéo dài 12 năm) chính thức đầu tư vào trường trẻ em khuyết tật của thị xã Đông Hà. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ mở lớp dạy thủ ngữ tại các xã Hải Thọ, Hải Trường, Hải Dương (huyện Hải Lăng), mỗi khóa học khoảng 6-7 tháng.

Lớp học dạy bằng “ngôn ngữ đôi tay” dành cho người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ đầu tiên ở Quảng Trị ra đời đã góp phần làm dịu những nỗi đau. Trường lớp đã có nhưng khó khăn lớn nhất là tìm người đứng dạy.

Trong lúc chưa tìm được người “cắm” lớp, một cô gái đang là giáo viên giảng dạy các lớp bình thường đã tình nguyện xin giảng dạy với chút ít hiểu biết của mình. Cô tên là Nguyễn Thị Thục Oanh. Sau khi nhận lớp, cô được dự án “Tầm nhìn thế giới” đưa đi bồi dưỡng nghiệp vụ dạy thủ ngữ ở Hà Nội - dành cho giáo viên bản địa lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Đợt này cả nước chỉ có 18 người được theo học. Cũng từ đây niềm say mê với “ngôn ngữ đôi tay” ngấm dần trong cô. “Nộp đơn xin thôi việc để về giảng dạy tại trường khuyết tật, nhiều đồng nghiệp đã cho tôi là con khùng. Công việc đang tốt lại chuyển sang dạy cái thứ ngôn ngữ chân tay, chưa kể có biết gì đâu mà dạy, lại về đứng lớp ở quê nữa chứ”, cô giáo Oanh hồi tưởng.

Để hoàn thành nhiệm vụ của một nhà giáo khó một thì việc dạy cho những học trò câm điếc lại khó gấp vạn lần. Nhiều hôm, cô đã chạnh lòng nghĩ “phải chăng mình khùng thật?”. Thế nhưng, nhiệt huyết và lòng yêu thương những “học trò” bất hạnh đã thôi thúc cô phải vượt qua khó khăn để đứng lớp.

Cô “tân trang” lại kiến thức của mình vì cách dạy bằng thủ ngữ là hoàn toàn mới mẻ. Hàng đêm cô thao thức với từng trang giáo án “đặc biệt”. Mẹ cô giáo Oanh móm mém kể: “Hàng xóm gần nhà tui cứ xôn xao khi thấy nó có những biểu hiện bất thường. Vì cứ rảnh rỗi một tí là nó lại khua tay múa chân”.

Lớp học của ba thế hệ

Trong cái nóng nực của trời hè Quảng Trị, cái lớp học nhỏ vốn đặc biệt với cách giảng dạy lại càng đặc biệt hơn khi có cả ba thế hệ cùng ngồi trong một căn phòng (từ 7-65 tuổi). Nhiều người trong họ vừa là phụ huynh, lại vừa là học trò của lớp. Bởi trình độ học vấn của  bậc phụ huynh cũng mới ngang bằng các con mình.

“Học trò” tranh cãi sôi nổi không kém lớp học bình thường, chỉ khác là họ tranh cãi với nhau bằng tiếng “ậm ờ” và động tác của đôi tay. Khoảng cách tuổi tác giữa các học trò đã xóa nhòa, mục đích cuối cùng mà họ cùng hướng đến là những con chữ và kiến thức.

Thế nhưng với họ việc “đánh vật” cùng con chữ không dễ chút nào. Bác Phan Khắc Đông, 60 tuổi, xã Hải Thọ, nét chữ còn vộc vệch cho biết: “Ngày đầu đến lớp tui ngại lắm. Mình già cả rồi mà còn ngồi học với bọn con cháu. Già rồi nên học trước quên sau nhưng bây giờ tui học đến chương trình lớp 5 rồi đấy!”.

Cái bảng đen của lớp học không chỉ để viết các con chữ hay làm những phép tính mà còn để vẽ các ngón tay, cánh tay với các tư thế khác nhau. Đó là ngôn ngữ mà họ được học - ngôn ngữ đặc biệt dành cho người câm điếc.

Ngoài việc học mỗi tuần ba ngày với các môn Toán, Tiếng Việt (tập đọc bằng tay), “học trò” của lớp còn được học ngoại khóa với các tiết mục văn nghệ bằng cử chỉ do thành viên trong lớp tự biểu diễn.

“Một bài học phải giảng đi giảng lại nhiều lần học trò mới hiểu. Khi giảng dạy cũng phải giữ ý vì học trò phần lớn là bậc cô chú, ba mẹ của mình. Đến giờ tập viết là phải chạy đến từng bàn nắn nót từng nét chữ. Dạy cho nhiều lứa tuổi và cách tiếp thu bài giảng khác nhau là khó khăn nhất đối với người giáo viên”, cô Oanh tâm sự. 

Lớp học nhỏ nhiều khi còn rất linh động, các “cô” học trò tranh thủ đi chợ sớm tiện đường lại tạt vào ngồi học. Cũng có những “cậu” học trò sau vài chén chè xanh cùng hàng xóm lại tranh thủ chăn bò gần trường, vừa làm được việc nhà vừa có thời gian để học tập.

Lê Phi - Triều Dương

Tin cùng chuyên mục