Gieo duyên với áo dài

Trong hành trang xuất ngoại của Minh Nhật (ngụ quận 1, TPHCM) có một món đồ đặc biệt - chiếc áo dài ngũ thân nam. Anh trân trọng, gói cẩn thận và tự nhủ, sẽ mặc nó vào những dịp đặc biệt nơi xứ người. Càng bất ngờ khi chủ tiệm may sinh năm 1998.
Anh Minh Đời tỉ mỉ bên những chiếc áo dài truyền thống. Ảnh: NVCC
Anh Minh Đời tỉ mỉ bên những chiếc áo dài truyền thống. Ảnh: NVCC

Không ngăn được đam mê

“Ngay khi cầm áo trên tay, tôi đã rất ưng ý bởi từng đường kim, mũi chỉ cho đến chiếc nút áo đều rất cẩn thận, tinh tế. Ngoài màu sắc đã chọn từ trước, phom áo khi mặc lên người cũng rất vừa vặn, tôn dáng và thoải mái”, Minh Nhật chia sẻ. Ở tiệm may của anh Minh Đời, những khách hàng như Minh Nhật không khó gặp. Nhiều người ưng ý còn đặt may thêm và giới thiệu với bạn bè.

Sinh năm 1998 tại Cà Mau, Minh Đời quyết định lập nghiệp, mở một tiệm may nhỏ tại TP Cần Thơ. Cơ duyên đưa anh đến với những chiếc áo dài truyền thống là bởi anh xuất thân trong gia đình có cha mẹ là những thợ may lành nghề. Từ khi còn bé, Minh Đời đã được bà nội dạy cho từng đường kim mũi chỉ của việc thêu thùa, may vá. Anh cũng lớn lên trong tiếng máy may và được quan sát cha mẹ làm việc, dù cả hai chuyên may âu phục, đồ tây. Thế nhưng, khá đặc biệt là cha của anh lại không thích con trai theo nghề may vá.

Tốt nghiệp THPT, theo học Luật kinh tế (Trường Đại học Nam Cần Thơ) cũng là lúc niềm đam mê trong anh bùng lên. Anh kể: “Tôi bắt đầu lén tự học may áo dài truyền thống. Tôi không dám nói vì biết cha vốn nghiêm khắc. Tất cả đều là quá trình tự học, tôi nhìn hình ảnh những chiếc áo dài trên mạng rồi tự may theo. Tôi còn nghĩ, khi ra trường ngày đi làm văn phòng, tối về sẽ làm thợ may”. Phải đến khi học xong, có những tích lũy nhất định, quyết định dấn thân theo nghề may, anh mới nói với cha mẹ và nhận được ủng hộ của gia đình. Và rồi, khi làm nghề, chính cha là người đã chỉ dẫn cho anh cách xử lý vải và nhiều kỹ thuật khác.

Khác với nghề may âu phục của gia đình, Minh Đời chọn áo dài, với lý do bản thân anh rất thích những gì thuộc về truyền thống và nghề thủ công. Anh cũng cho biết, thích là vậy nhưng chỉ nghĩ tìm hiểu, mày mò để tự may, tự mặc cho thỏa đam mê. “Tôi may xong khi mặc bạn bè thấy thích nên nhờ may, rồi họ giới thiệu đến với những người khác. Cứ như thế, tôi bén duyên với áo dài cho đến giờ. Khi tự tin hơn, gần đây tôi mới dám mở tiệm may nhỏ tại TP Cần Thơ”, anh Minh Đời kể thêm.

Học từ những thất bại

Từ chiếc áo dài đầu tiên may cho bản thân và cho khách hàng, Minh Đời từng gặp không ít sai sót. Như chiếc áo đầu tiên được khách đặt hàng, vì bị hư, anh phải may lại đến lần thứ hai. Anh nhớ, ít nhất đã có 10 chiếc áo dài bị hỏng trước khi cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. “Mỗi lần gửi áo, chưa thấy khách mặc hay phản hồi có vừa ý hay không tôi thường lo lắm. Phải đến khi nhận được hồi âm, họ hài lòng với sản phẩm tôi mới yên tâm”, anh chia sẻ.

80% công đoạn trên mỗi chiếc áo dài đều được anh cùng một thợ phụ trong tiệm làm thủ công. Thậm chí, khách hàng nếu yêu cầu các họa tiết thêu tay, anh sẽ tự thực hiện nhờ kinh nghiệm được học từ bà nội. Chủ yếu đến công đoạn may sườn áo anh mới dùng máy để đảm bảo áo chắc chắn, bền hơn khi mặc. Khách hàng đa phần ở xa, trong đó có cả khách nước ngoài nên từ công đoạn lấy số đo, anh đã phải làm hướng dẫn khá chi tiết thông qua hình ảnh, video minh họa.

Minh Đời cho biết, có 2 kỹ thuật khó nhất trong may áo dài ngũ thân là kết nút và dựng phom cổ. Dù mỗi áo chỉ gồm 5 nút nhưng quan trọng các đường khuy càng thanh sẽ càng tinh tế. Trong khi đó, dựng phom cổ, nhất là với áo nam là cả sự kỳ công. Vì cổ áo khá cao, không được phép dùng keo nên để đảm bảo độ cứng, vẫn tạo cảm giác dễ chịu khi mặc phải may nhiều lớp vải với kỹ thuật tỉ mỉ. “Một chiếc áo tôi thường may trong 2 ngày. Trong đó, riêng công đoạn làm nút, may cổ đã mất 1 ngày”, anh chia sẻ.

Theo dõi trang cá nhân của Nguyễn Minh Đời, bắt gặp hình ảnh anh trong trang phục áo bà ba bên bàn cắt, may tỉ mỉ với từng chi tiết, công đoạn khiến không ít người cảm thấy thích thú. Những xấp vải lụa Mã Châu (Quảng Nam), lụa La Khuê (Hà Đông, Hà Nội), lãnh Mỹ A (Tân Châu, An Giang), vải lụa của Hàn Quốc, các thành phẩm đã hoàn thiện hay các phục sức đi kèm được anh giới thiệu đẹp đến hút mắt. Minh Đời cho biết, có cả những bình luận tiêu cực, bắt bẻ từng chút về kỹ thuật, tuy nhiên, anh mừng vì đa phần mọi người đều ủng hộ. Không ít bạn trẻ còn nhắn tin, ngỏ lời muốn theo học anh.

Mơ ước của Minh Đời là một ngày sẽ có một tiệm may khang trang trên chính mảnh đất Tây Đô này để ngày càng lan tỏa nhiều hơn nữa chiếc áo dài ngũ thân truyền thống, giúp mọi người mặc đúng và đẹp, nhằm phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa truyền thống từ chiếc áo các thế hệ ông bà đã để lại.

Tin cùng chuyên mục