Giữ lửa cho đời

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ở đâu đó trên đất nước Việt Nam vẫn còn có những người lính âm thầm đi sưu tầm và tìm kiếm những kỷ vật thời chiến để lưu giữ những ký ức của một thời oanh liệt cho mình và cho đời sau. “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu nằm trong con ngõ nhỏ 9/17 đường Đặng Việt Châu (phường Cửa Bắc, TP Nam Định). Dáng người cao lớn, khuôn mặt cương nghị, đôi mắt sáng và giọng nói sang sảng dù ông đã 65 tuổi.
Giữ lửa cho đời

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ở đâu đó trên đất nước Việt Nam vẫn còn có những người lính âm thầm đi sưu tầm và tìm kiếm những kỷ vật thời chiến để lưu giữ những ký ức của một thời oanh liệt cho mình và cho đời sau. “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu nằm trong con ngõ nhỏ 9/17 đường Đặng Việt Châu (phường Cửa Bắc, TP Nam Định). Dáng người cao lớn, khuôn mặt cương nghị, đôi mắt sáng và giọng nói sang sảng dù ông đã 65 tuổi.

Bảo tàng của ký ức

Cựu chiến binh Vũ Đình Lưu

Cựu chiến binh Vũ Đình Lưu

“Làm như vậy để lưu dấu quá khứ hào hùng của cả dân tộc. Đó cũng là cách để tri ân đối với những đồng đội đã khuất đồng thời giáo dục các thế hệ con cháu mai sau về truyền thống yêu nước quý báu, về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông…”, ông Vũ Đình Lưu, người cựu binh đang lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, nói.

Cũng chính vì suy nghĩ đó mà suốt nhiều năm qua, đôi chân ông Lưu đã băng rừng, lội suối đi khắp các chiến trường trong Nam ngoài Bắc để tìm kiếm và sưu tầm những kỷ vật chiến tranh để về lưu giữ trong “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông.

Sinh năm 1945, năm 24 tuổi (1969) cùng với nhiều bạn bè cùng trang lứa theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Vũ Đình Lưu lên đường nhập ngũ. Từng là Đại đội trưởng trinh sát 312 ông đã cùng các đồng chí, đồng đội của mình vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1974, ông bị thương nặng và rời quân ngũ.

Hòa bình lập lại, ông làm giám đốc liên doanh Việt – Xô tại Đà Nẵng, năm 1991 ông trở về quê hương Nam Định và làm Giám đốc Công ty xuất – nhập khẩu của tỉnh. Đến năm 2004 thì ông về hưu và bắt đấu công việc sưu tầm kỷ vật.

Dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng của mình, ông vừa kể lại nguyên cớ mà mình đi sưu tầm, tìm kiếm và thành lập bảo tàng kỷ vật chiến tranh như hiện nay. Trong một chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, khi tình cờ ông đào được những kỷ vật cũ là một chiếc màn vải, vài mảnh đạn và một khẩu súng tại nơi mà trước đây ông cùng đồng đội đã từng quần nhau với địch. “Sau đó, khẩu súng thì tôi giao nộp lại còn các kỷ vật đào được tôi đều đem về nhà cất giữ làm kỷ niệm. Từ đó trong tôi luôn nung nấu một ý tưởng là đi tìm kiếm những kỷ vật của các đồng đội cũ để lưu giữ làm bảo tàng ký ức cho riêng mình”, ông Lưu tâm sự.

Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” được UBND tỉnh Nam Định cho phép hoạt động từ 22-12-2007 theo QĐ số 3172. Tuy mới chính thức được công nhận vào tháng 12-2007, nhưng đến nay đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Đặc biệt là những bạn trẻ là học sinh, sinh viên đến để hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử của dân tộc thông qua những kỷ vật mà cựu chiến binh Vũ Đình Lưu sưu tầm được. Không những vậy, bảo tàng của ông còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của các cựu chiến binh, các đồng chí lão thành cách mạng trong và ngoài tỉnh tụ họp về để ôn lại những kỷ niệm của một thời đã qua.

Sau đó cứ hễ ở đâu báo tin có kỷ vật của những đồng đội tại những nơi ông đã từng chiến đấu là ông lại khoác ba lô lên đường và lóc cóc tìm đến. Sau nhiều năm lặn lội đi kiếm tìm, đôi chân ông đã đặt lên khắp nơi trên các chiến trường xưa kia từng in hằn dấu vết bom đạn như: chiến trường Thành cổ Quảng Trị, chiến trường Tây Nguyên, chiến trường Đường 9 Nam Lào… Thậm chí ông còn sang tận bảo tàng Luông Pha Băng bên nước bạn Lào để xin và tìm kiếm kỷ vật.

Trong những chuyến đi kiếm tìm cổ vật của ông, có những chuyến đi dài, có những chuyến đi ngắn và gặp không ít gian nan, vất vả. Sau mỗi chuyến đi như vậy ông lại mang về lúc thì vài mảnh đạn pháo, khi thì chiếc áo trấn thủ, lúc thì lại là một bức thư hoặc cuốn nhật ký chiến trường… Tất cả các kỷ vật đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của cuộc hành trình và những câu chuyện vui buồn trên đường đi.

Lúc đầu, những kỷ vật được ông đem về với ý định lưu giữ tại nhà như một kỷ niệm riêng cho bản thân. Tuy nhiên đến tháng 4-2007 số kỷ vật ông sưu tầm đã bắt đầu khá nhiều và ý tưởng về việc trưng bày các hiện vật quý mà mình đã sưu tầm được để mọi người tham quan, tìm hiểu bắt đầu được ông nghĩ đến.

Thế rồi ông bắt đầu kỳ cạch đóng kệ tủ mua tủ kính và thuê thợ về xây dựng nhà trưng bày và ông gọi đó là “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh”. Hoạt động âm thầm một thời gian, tiếng lành về bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Lưu đã đồn rất xa. Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông Vũ Đình Lưu chính thức được khai trương ngay tại nhà riêng của ông trong sự cảm động của chính chủ nhân và các cựu binh có mặt.

Những ngày đầu mới thành lập, bảo tàng của ông chỉ có khoảng trên dưới 400 kỷ vật do bản thân ông sưu tầm và lưu giữ được. Sau đó, những đồng đội cũ, bạn bè gần xa nghe tin có bảo tàng này đã tìm đến và hiến tặng những kỷ vật của cá nhân họ cho bảo tàng. Trong số những người tìm đến có người hiến tặng một vài kỷ vật, có người hiến tặng hàng chục kỷ vật của họ cho bảo tàng.

Cứ thế, số lượng kỷ vật trong bảo tàng ngày càng tăng lên. Tính từ lúc khai trương đến nay, “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu đã có gần 1.000 các loại kỷ vật lớn nhỏ.

Giữ lửa cho ngàn sau

Từ lúc bảo tàng mở cửa, hàng ngày trong căn phòng nhỏ rộng khoảng 20m2 đó, ông cặm cụi lau chùi những kỷ vật ấy một cách tỉ mỉ và kỳ công. Những kỷ vật đó được ông nâng niu và gìn giữ rất cẩn trọng.

Để bảo quản những kỷ vật này được tốt, ông Lưu đã trang bị hệ thống chiếu sáng, máy hút bụi, hút ẩm, máy sấy, máy điều hòa. Mỗi kỷ vật trong bảo tàng đều được ông lập thành 3 bộ hồ sơ rồi trình lên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Cục Di sản văn hóa Quốc gia. Mỗi tháng, ông lại cẩn thận ghi chép, thống kê lại các kỷ vật rồi báo cáo chi tiết về tình hình sử dụng, hiện trạng của các hiện vật trong bảo tàng lên các cơ quan chức năng.

Những hiện vật quý bảo quản và lưu giữ trong tủ kính.

Những hiện vật quý bảo quản và lưu giữ trong tủ kính.

Ngồi trầm tư nhìn ra cửa, ông Lưu chiêm nghiệm: “Có lẽ chỉ những ai từng nếm trải những tháng ngày vào sinh ra tử cùng các đồng chí, đồng đội trong những chiến hào, trên những trận địa mịt mù lửa đạn thì mới thấu hiểu hết ý nghĩa và giá trị của những kỷ vật như thế. Mỗi kỷ vật như vậy đều gắn liền với mỗi con người, mỗi số phận trong chiến trận”.

Nhằm giúp khách tham quan bảo tàng dễ hình dung và tiện theo dõi, ông sắp xếp và phân chia các kỷ vật thành 3 khu vực rất rõ ràng và khoa học: khu vực kháng chiến chống Pháp; khu vực kháng chiến chống Mỹ và khu vực chứa các kỷ vật của thời kỳ bao cấp.

Phía dưới mỗi kỷ vật, ông còn chú thích rất chi tiết, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cũng như công dụng của chúng. Mỗi khi có khách đến tham quan bảo tàng, bất kể nắng hay mưa, sáng hay chiều, lúc nào ông cũng nhiệt tình đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan bảo tàng hoàn toàn miễn phí, tận tình và chu đáo.

“Hành trang người lính” là những vật rất đỗi thân thuộc của những người lính năm xưa...

“Hành trang người lính” là những vật rất đỗi thân thuộc của những người lính năm xưa...

Trong “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu còn lưu giữ được rất nhiều các kỷ vật quý như: Tấm bản đồ biệt khu Thủ đô trước năm 1975, mũ đội đầu của phi công chiến đấu của quân đội ta, hũ gạo kháng chiến… Hay đơn giản chỉ là những thứ vũ khí được quân dân ta sử dụng trong chiến đấu trước kia tuy thô sơ nhưng một thời đã làm khiếp vía quân thù như: dao găm, mã tấu, bàn chông gài bẫy địch, các loại cung nỏ.

Chỉ tay vào một chiếc hũ đã rất cũ, ông Lưu cho biết đây là kỷ vật của một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Trung Thành (Vụ Bản, Nam Định) tặng cho bảo tàng. Xưa, khi tiễn người con trai lên đường nhập ngũ, mỗi ngày bà lại bỏ vào trong hũ một hạt đậu xanh để tính quãng thời gian người con xa nhà đi chiến đấu cho đến khi chiếc hũ đầy ắp.

Đặt ở vị trí trang trọng nhất trong “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu là những cuốn sổ tay, cuốn nhật ký chiến trường, những bức thư tay, những câu chuyện tình cảm động theo chủ đề “Mãi mãi tuổi hai mươi” của những chàng trai, cô gái đã mãi mãi ra đi vì độc lập của Tổ quốc khi tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi.

“Mỗi kỷ vật ở đây đều mang một ý nghĩa riêng, thấm đậm chất nhân văn. Họ là những con người đã dành cả tuổi thanh xuân cũng như cuộc đời mình cho dân tộc, cho Tổ quốc nên những kỷ vật về họ rất đáng được nâng niu, trân trọng”, ông Lưu lý giải.

“Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông Lưu đang là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Nam Định. Bây giờ, ông Lưu vẫn tiếp tục công việc sưu tầm và tìm kiếm thêm các kỷ vật để cố gắng hoàn thiện thêm về mặt số lượng cũng như chất lượng của bảo tàng.

SƠN HẢI


 

Tin cùng chuyên mục