Giữ “lửa” kinh doanh

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm, là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp (DN), cả trong nước và nước ngoài, gặp khó khăn. 
Giữ “lửa” kinh doanh

Minh chứng điều đó là Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố. Trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4, BCI gần như đã tăng trở lại mức trước đại dịch, đạt 73,9 điểm phần trăm trong quý 1. Tuy nhiên, chỉ số này giảm gần 30 điểm trong quý 2, còn 45,8%. Bên cạnh đó, chỉ 19% số thành viên EuroCham được hỏi cho rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý 2, so với mức gần 61% trong quý 1.

Tuy không có cuộc khảo sát tương tự đối với DN trong nước, nhưng nhìn vào dữ liệu 6 tháng đầu năm 2021 được công bố bởi Tổng cục Thống kê, các nhà quan sát nhận định, có những dấu hiệu đáng lo ngại, khi có đến 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 DN rút lui khỏi thị trường.

Làm thế nào để giữ “lửa” kinh doanh cho DN trong bối cảnh hiện nay? Khuyến nghị từ cộng đồng DN châu Âu là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc. EuroCham cùng 9 hiệp hội DN trực thuộc cũng đã khảo sát các thành viên về khả năng sẵn sàng tự chi trả chi phí tiêm chủng cho nhân viên và nhận được sự đồng tình rất cao. Chủ tịch EuroCham Alain Cany khẳng định, EuroCham đang cố gắng dưới mọi hình thức để hỗ trợ Việt Nam mua đủ lượng vaccine và tin tưởng rằng niềm tin trong DN sẽ phục hồi ngay khi Việt Nam có thể triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Nhưng bên cạnh giải pháp cấp thiết này, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh theo cách “truyền thống” vẫn cần tiếp tục, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. 

Một cuộc khảo sát về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan mới đây cho thấy, đa số DN kỳ vọng các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục đơn giản hóa các TTHC và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, DN cũng đề nghị tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC hải quan, tăng cường quan hệ đối tác DN - hải quan, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kiểm tra thực tế hàng hóa, nâng cao năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của công chức hải quan.

DN còn kỳ vọng trong tương lai, đa số các thủ tục có thể thực hiện trực tuyến một cách hoàn toàn. Việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan cũng cần cải thiện, đặc biệt là ở các khía cạnh chia sẻ dữ liệu về TTHC và phối hợp giải đáp vướng mắc, hướng dẫn DN về quy trình làm thủ tục.

Trong khi đó, theo khảo sát gần nhất của VCCI, nhìn chung, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh đã chậm lại so với các năm trước và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược. Chẳng hạn, các lĩnh vực như phá sản DN, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu tăng điểm, trong khi các lĩnh vực như thành lập DN, tiếp cận điện năng giảm điểm. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện xu hướng tích cực hơn, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại. Và trong bối cảnh dịch Covid-19, yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh để duy trì nhiệt huyết và niềm tin kinh doanh cho DN đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục