Giữ nguyên đề xuất giờ làm thêm tối đa 72 giờ/tháng, tiền làm thêm tính theo Bộ luật Lao động

Bộ LĐTB-XH đề xuất giữ nguyên như dự thảo là thời gian làm thêm giờ trong tháng không quá 72 giờ. Mức trả lương làm thêm giờ được quy định tại Bộ luật Lao động là mức ít nhất phải trả cho người lao động, mức trả cao hơn do 2 bên thương lượng, thỏa thuận.

Để Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thêm cơ sở quyết định ban hành nghị quyết về giờ làm thêm của người lao động, Bộ LĐTB-XH vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp về vấn đề này, gửi tới UBTVQH, sáng 23-3. 

Theo báo cáo, tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, (cần nghiên cứu kỹ thời giờ làm thêm trong tháng 60 giờ hay 72 giờ); ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị thời giờ làm thêm trong tháng là 60 giờ và giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng), Bộ LĐTB-XH đề xuất giữ nguyên như dự thảo là thời gian làm thêm giờ trong tháng không quá 72 giờ.

Lý do, theo bộ, là nghị quyết chỉ quy định về trần tối đa các bên có thể thỏa thuận để làm thêm giờ chứ không phải đó là thời gian làm thêm giờ người lao động phải thực hiện. Nguyên tắc của pháp luật lao động đã được quy định khi làm thêm giờ là: phải trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng, công khai, không áp đặt; đảm bảo sức khỏe và điều kiện lao động lâu dài cho người lao động; được trả công tương xứng.

Trên thực tế, căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe, điều kiện của người lao động, hai bên người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận làm thêm ở mức 40 giờ, 45 giờ, 50 giờ hay 60 giờ và tối đa là được 72 giờ trong 1 tháng. Đây cũng là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Bên cạnh đó, nhiều ngành, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị nâng giới hạn làm thêm trong tháng, thậm chí đề nghị bỏ giới hạn làm thêm trong tháng, do đã có giới hạn làm thêm trong ngày và trong năm.

Giữ nguyên đề xuất giờ làm thêm tối đa 72 giờ/tháng, tiền làm thêm tính theo Bộ luật Lao động ảnh 1 Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo nghị quyết

Vẫn theo Bộ LĐTB-XH, theo quy định hiện hành tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì doanh nghiệp được phép sử dụng người lao động trên cơ sở thoả thuận để làm thêm giờ không quá 4 giờ/ngày. Giả sử bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ trong tháng thì theo quy định giờ làm thêm trong ngày, mỗi tháng người lao động cũng chỉ làm thêm tối đa được 104 giờ (ứng với 26 ngày công).

Như vậy, mức 72 giờ/tháng được đề xuất tại dự thảo nghị quyết là ở mức trung bình của đề xuất của người sử dụng lao động (104 giờ/tháng) và quy định pháp luật hiện hành (40 giờ); đồng thời đây cũng là mức trung bình của các nước trong khu vực châu Á. Mức này cũng chỉ được đề xuất áp dụng thời gian ngắn, trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Khi thực hiện làm thêm trong tháng, trong năm theo quy định tại nghị quyết này thì đồng thời vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác của Bộ luật Lao động về làm thêm giờ.

Như vậy, việc làm thêm phải tuân thủ giới hạn làm thêm trong ngày, trong tháng, trong năm, không nên phát sinh quy định mới về giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.

Về đối tượng áp dụng, tiếp thu các ý kiến, bộ đã cụ thể hóa tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết những đối tượng không áp dụng, bao gồm: lao động chưa thành niên; lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai.

Về ý kiến quy định chế độ tiền lương tương xứng với cả thời gian làm việc kéo dài thêm, Bộ LĐTB-XH cho biết, Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể về tiền lương làm thêm giờ (vào ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần và ngày nghỉ lễ, tết...) và làm việc ban đêm.

Quy định về tiền lương làm thêm giờ của Bộ luật Lao động được tính theo ngày, không phân biệt mức trả lương làm thêm giờ khi làm thêm 1 giờ hay 4 giờ/ngày; 1 giờ hay 40 giờ/tháng; 200 giờ hay 300 giờ/năm.

Do dự thảo nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ/tháng (tính bình quân theo ngày 1,54 giờ/ngày) lên 72 giờ/tháng (tính bình quân theo ngày 2,76 giờ/ngày) vẫn nằm trong khung thời gian làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động tối đa 4 giờ/ngày, nên vẫn áp dụng mức lương làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ.  

“Bản chất quy định tiền lương làm thêm giờ hiện nay đã lũy tiến. Tiền lương làm thêm vào ngày thường thấp hơn vào ngày nghỉ hàng tuần, vào ngày lễ tết (150%, 200%, 300%). Mặt khác, mức trả lương làm thêm giờ được quy định tại Bộ luật Lao động là mức ít nhất phải trả cho người lao động, mức trả cao hơn do 2 bên thương lượng, thỏa thuận”, báo cáo của Bộ LĐTB-XH nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục