Gỡ khó cho chủ nhà trọ

Nhà trọ hư hỏng, xuống cấp, nhiều chủ nhà trọ có nhu cầu được vay các nguồn vốn ưu đãi để sửa chữa nhưng rất khó “lọt” qua các thủ tục, quy định. Qua 3 năm triển khai, đến nay, theo Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Tính, Quỹ Phát triển nhà TPHCM mới chỉ xét duyệt cho 1 trường hợp vay ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 TPHCM, với số tiền vay 1,3 tỷ đồng.
Gỡ khó cho chủ nhà trọ

Nhà trọ hư hỏng, xuống cấp, nhiều chủ nhà trọ có nhu cầu được vay các nguồn vốn ưu đãi để sửa chữa nhưng rất khó “lọt” qua các thủ tục, quy định. Qua 3 năm triển khai, đến nay, theo Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Tính, Quỹ Phát triển nhà TPHCM mới chỉ xét duyệt cho 1 trường hợp vay ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 TPHCM, với số tiền vay 1,3 tỷ đồng.

Gian nan hành trình vay

Để hỗ trợ cho các chủ nhà trọ sửa chữa nhà cho công nhân thuê trên địa bàn TPHCM, UBND TP đã ban hành Quyết định số 18/2011 ngày 28-3-2011 ban hành Quy chế cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn TP. Sau đó TP ban hành tiếp Quyết định số 41/2012 ngày 12-9-2012 và Quyết định số 29/2013 ngày 9-8-2013, bổ sung thêm một số ưu đãi như bỏ phí quản lý từ 2,1% - 1,5% - 0%; nâng thời hạn cho vay sửa chữa từ 5 lên 7 năm; thời hạn cho vay xây dựng mới từ 7 lên 10 năm; điều chỉnh mức lãi suất cho vay được tính bằng bình quân lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng trả lãi sau (mức tối đa) của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Như vậy, lãi suất cho vay bình quân khoảng 7%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại từ 3% - 3,5%/năm thời điểm nói trên.

Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai, khoản vay này vẫn ngoài tầm với của rất nhiều chủ nhà trọ có nhu cầu vay.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà thăm công nhân khu nhà trọ tại quận Bình Tân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Quỹ Phát triển nhà TP, phần lớn các chủ nhà trọ có xây dựng nhà hoặc ngăn phòng cho thuê quy mô không lớn, số lượng nhà cho thuê hoặc phòng cho thuê của 1 người không nhiều, diện tích nhỏ nhưng là trên đất nông nghiệp, nằm trong hành lang an toàn đường bộ, đường thủy… do đó không đủ điều kiện vay tiền tại Điều 3 Quyết định 18 của UBND TP (đất chưa chuyển mục đích sử dụng là đất ở, không có giấy phép xây dựng, không có giấy phép kinh doanh…). Nhất là không đáp ứng các điều khoản quy định của Quyết định số 75/2006/QĐ-UBND TP về ban hành Quy chế quản lý nhà cho công nhân lao động (CNLĐ) thuê để ở.

Không chịu “bó tay”, một số địa phương đã linh hoạt tìm giải pháp khác tiếp sức, nhất là tìm kiếm các khoản vay dưới 100 triệu đồng/hộ giúp các chủ nhà trọ sửa chữa nhỏ, trong đó có cách làm của quận Tân Phú. Bà Nguyễn Thị Kim Vui, Trưởng ban Dân vận quận Tân Phú cho biết, quận đã chủ động đề xuất Ngân hàng chính sách xã hội quận giải quyết cho 56 chủ nhà trọ vay số tiền 1,8 tỷ đồng. Mức vay từ 10 - 40 triệu đồng, lãi suất 0,65%, thời hạn vay từ 12 - 36 tháng, thủ tục bằng bảo lãnh tín chấp.

Qua điều tra nắm tình hình thì các chủ nhà trọ đều sử dụng tiền vay đúng mục đích, trả đúng hạn, có hộ trả sớm. Từ nhiều giải pháp, trong đó có giải quyết linh hoạt cho vay mà hơn 3.000 chủ nhà trọ trên địa bàn đồng thuận giữ giá nhà trọ mấy năm qua.

Chủ động gỡ khó

Trước thực tế khó khăn của các chủ nhà trọ, trong tháng 10-2014, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đã có nhiều buổi tiếp xúc với nữ chủ nhà trọ khu vực đông CNLĐ thuê như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức… Ngay sau những cuộc tiếp xúc, Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thị Thu Hà và Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang đã chủ trì nhiều cuộc họp với các sở ban ngành tìm giải pháp tháo gỡ.

Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp cùng Quỹ Phát triển nhà TP, Ban Quản lý các KCX-KCN TP tham mưu sửa đổi Quyết định số 75 và Quyết định số 18 nói trên cho phù hợp quy định hiện hành và tình hình thực tế. Sở Xây dựng, Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh TPHCM, sẽ sớm tham mưu chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ được vay vốn để sửa chữa nhà trọ cho CNLĐ, học sinh, sinh viên nghèo thuê; các sở khác phối hợp Sở QH-KT TP hướng dẫn quận, huyện việc sử dụng đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư hiệu hữu để xây dựng nhà giữ trẻ cho con em CNLĐ.

Đối với các vướng mắc khác, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà yêu cầu UBND TP chỉ đạo giao Sở TN-MT, Sở Tài chính tham mưu xem xét cho phép các chủ nhà trọ khi chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở, nếu phù hợp quy hoạch để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho CNLĐ, sinh viên nghèo ở thuê, thì được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 76/2014 ngày 16-6-2014 của Bộ Tài chính.

Để giải quyết các kiến nghị về chỗ gửi trẻ cho con CNLĐ, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và các sở ngành tham mưu chính sách ưu đãi về vay vốn, thủ tục, điều kiện lập điểm giữ trẻ để thực hiện thí điểm một số điểm giữ trẻ có số lượng dưới 10 cháu/điểm tại các khu nhà trọ của quận Bình Tân, Thủ Đức.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục