Gỡ khó cho công tác chuyển đổi số giáo dục

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM bước vào giai đoạn 2 chuyển đổi số với mục tiêu hoàn thành kho học liệu mở từ lớp 1 đến lớp 12 chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời hoàn thiện trục liên thông dữ liệu để triển khai học bạ số vào năm 2025. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn.

Thay đổi nhận thức của giáo viên

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, TPHCM bắt đầu xây dựng trục liên thông dữ liệu ở bậc trung học từ năm học 2018-2019. Qua 5 năm kiên trì thực hiện, đến nay dữ liệu người học cập nhật trên hệ thống đạt tỷ lệ hơn 99%, song dữ liệu này chưa được chuẩn hóa. Kết quả thống kê cho thấy, toàn thành phố còn 15.264 học sinh chưa nhập mã định danh; 11.275 em chờ xác thực; hơn 18.000 trường hợp nhập sai tên, ngày tháng năm sinh…

Đối với hoạt động giảng dạy, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM nêu thực tế, một số thầy cô sau thời gian triển khai bài dạy trên hệ thống trực tuyến thấy cực quá đã quay về cách dạy truyền thống là “tải chữ lên file trình chiếu”, bỏ ngỏ hoạt động tương tác với học sinh. Đây là bước lùi, đi ngược lại mục tiêu chuyển đổi số.

Học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) tham gia cuộc thi tìm hiểu về pháp luật qua hình thức trực tuyến

Học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) tham gia cuộc thi tìm hiểu về pháp luật qua hình thức trực tuyến

Ở góc độ khác, theo Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân, hiện nay vẫn còn trường học nhầm lẫn giữa xây dựng học liệu số và phân bổ số tiết học trực tuyến cho học sinh. Theo đó, để thực hiện mục tiêu xây dựng kho học liệu số tương ứng tỷ lệ 35% nội dung chương trình, một số trường đã cắt giảm cơ học 35% giờ học trực tiếp trên lớp, chuyển qua dạy học trên internet, gây ảnh hưởng quá trình học tập của học sinh.

Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, học liệu số cần được hiểu theo nghĩa rộng là kho học liệu có khả năng tương tác, phát huy năng lực tự học của người học. Để khai thác hiệu quả nguồn học liệu này, giáo viên phải chuyển đổi phương pháp dạy học chứ không máy móc quy đổi ra tỷ lệ giờ học trực tuyến và trực tiếp của học sinh. Ngược lại, nếu giáo viên lạm dụng công nghệ thông tin, giao nhiệm vụ học tập về nhà mà không hướng dẫn, gây quá tải cho học sinh cũng chưa thực hiện đúng tinh thần đổi mới.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc khẳng định: “Chuyển đổi số là chiến lược thực hiện lâu dài với nhiều cải cách quyết liệt và triệt để. Trong đó, công nghệ không phải là yếu tố quan trọng nhất mà chính sự quyết tâm cao độ của đội ngũ cán bộ quản lý, tư duy tiến bộ và khả năng sẵn sàng thay đổi của giáo viên cùng sự phối hợp, đồng hành của cha mẹ học sinh mới là tiền đề quan trọng giúp thực hiện thành công đổi mới”.

Đề xuất chế độ, chính sách

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, thầy Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), cho rằng, hiện nay quy định về chế độ tiền lương cho nhân viên công nghệ thông tin trường học chưa hợp lý, hệ số trung bình lương thấp. Nếu như giáo viên có chế độ phụ cấp thâm niên thì nhân viên trường học không có phụ cấp này khiến thu nhập chưa đủ sức thu hút và giữ chân người giỏi.

“Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào các công ty, doanh nghiệp với thu nhập cao hơn nhiều lần so với vị trí nhân viên trường học. Do đó, năm học nào các trường cũng có nhu cầu tuyển dụng nhưng luôn thiếu nguồn tuyển”, thầy Lương Văn Minh chia sẻ.

Từ nay đến năm 2025, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đặt mục tiêu 100% trường học thi đua chuyển đổi số, trong đó có 50 trường học số tiêu biểu tham gia công trình kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Ngoài ra, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất đi kèm như phòng học bộ môn, máy vi tính chưa được phân bổ kinh phí khiến các trường gặp khó khi thực hiện. “Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mà trường học phải huy động từ nguồn xã hội hóa trang bị máy tính cho học sinh là không phù hợp. Tôi cho rằng ngân sách cần phân bổ kinh phí cho việc triển khai môn học này từ lớp 3”, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh nêu ý kiến.

Tương tự, với yêu cầu chuyển đổi số, hầu hết trường học hiện nay chỉ được trang bị máy chiếu, nơi nào có điều kiện thì đầu tư thêm bảng tương tác, ti vi cho các phòng học. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực ngoại thành, có nơi cả trường dùng chung một phòng học bộ môn có gắn thiết bị dạy học tương tác, những phòng còn lại chỉ đáp ứng yêu cầu dạy học truyền thống.

Trước khó khăn trên, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sở đang xây dựng lộ trình cụ thể về chế độ, chính sách cho một số vị trí việc làm đặc thù trong trường học, trong đó có đề xuất quy đổi giờ dạy cho giáo viên tham gia xây dựng học liệu số để khuyến khích và động viên tinh thần đội ngũ. Song song đó, toàn ngành đang thực hiện rà soát trang thiết bị dạy học ở tất cả môn học làm cơ sở tham mưu các cấp quản lý để có kế hoạch phân bổ phù hợp.

Tin cùng chuyên mục