Gỡ nút thắt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV

Bắt đầu từ 1-1-2019, việc điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus ARV sẽ chuyển từ miễn phí sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế (BHYT). 
Gỡ nút thắt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV

Đây sẽ là thách thức lớn trong việc duy trì ổn định điều trị cho bệnh nhân HIV. Nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải chi một số tiền khá lớn để điều trị bằng thuốc ARV. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là nhiều người nhiễm HIV vẫn còn nhiều băn khoăn khi tham gia BHYT, trong khi “giờ G” đang đến rất gần.

Bệnh nhân lo lắng, cơ sở y tế lo ngại

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, trung tâm đã triển khai mạng lưới tư vấn - xét nghiệm HIV, điều trị tại Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng và 16 trạm y tế phường. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã thực hiện khám 14.981 lượt bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có 8.614 lượt khám BHYT. Tính đến nay, số bệnh nhân đang điều trị ARV là 1.481 người, trong đó có 113 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2 và số bệnh nhân đang quản lý có BHYT là 1.310 (đạt 88,5%).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS tại quận Gò Vấp còn gặp nhiều khó khăn, trong đó các trạm y tế chưa được đầu tư xét nghiệm cận lâm sàng nên việc xét nghiệm định kỳ cho bệnh nhân phải chuyển lên tuyến quận để thực hiện. 

Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng - Trung tâm Y tế quận 11 hiện đang điều trị ARV cho hơn 2.700 người nhiễm HIV/AIDS. Trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận điều trị 70 người nhiễm mới, chủ yếu đến từ các tỉnh, thành khác.

Gỡ nút thắt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV ảnh 1 Bệnh nhân điều trị ARV tại một trung tâm y tế trên địa bàn TPHCM
Bác sĩ Kim Chi Na, Trưởng khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng, cho rằng nếu sử dụng BHYT, người bệnh vừa được chăm sóc và điều trị bệnh toàn diện, vừa được chi trả viện phí. Tuy nhiên, vấn đề công khai danh tính để được hưởng BHYT hay âm thầm điều trị với gánh nặng chi phí quá sức vẫn đang là băn khoăn của hàng chục ngàn bệnh nhân nhiễm HIV. Vì vậy, việc tạo niềm tin cho bệnh nhân HIV rất quan trọng, giúp họ vượt qua mặc cảm sợ cộng đồng kỳ thị mà bỏ dở quá trình chữa bệnh.

Lấy ví dụ điển hình, bác sĩ Kim Chi Na cho biết, khoa đang điều trị cho một bệnh nhân 30 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè nhưng anh không dám điều trị tại địa phương mà phải lên tận quận 11, bởi sợ lộ tình trạng bệnh. Hay như một bệnh nhân nữ ở quận Bình Tân, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng thà bỏ tiền mua thuốc ARV chứ nhất quyết không tham gia BHYT do sợ lộ danh tính. Đó là tâm lý chung của các bệnh nhân nhiễm HIV khi phải chuyển đổi điều trị bằng thẻ BHYT.

Sẵn sàng chuyển đổi

Thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM,  trên địa bàn thành phố hiện có hơn 4.000 người nhiễm HIV đang được điều trị. Để tiến hành việc chuyển đổi điều trị sang BHYT cho người nhiễm HIV, ngay từ đầu năm, thành phố đã yêu cầu các cơ sở thực hiện các công tác chuẩn bị như kiện toàn cơ sở điều trị, ký kết hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng thời chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự... sẵn sàng cho việc khám chữa bệnh và thanh toán chi phí qua nguồn BHYT.

Theo bác sĩ Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố đã có 40 cơ sở điều trị HIV ký hợp đồng thanh toán BHYT với cơ quan BHXH. Đây là các cơ sở trực thuộc các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện quận/huyện, Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng của trung tâm y tế quận/huyện.

Bên cạnh đó, BHXH TPHCM cũng đã ký hợp đồng với Phòng khám đa khoa tư nhân Galant (quận 5) trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV thông qua BHYT. Đối với các cơ sở từ thiện, ngành y tế đang tiếp tục hỗ trợ kiện toàn để những cơ sở này đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội.

“Trước mắt, trong quý 1-2019, TPHCM sẽ thực hiện điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân thông qua BHYT. Với bệnh nhân chưa điều trị theo BHYT, TPHCM sẽ tiếp tục cấp phát ARV miễn phí tại các điểm điều trị. Mục tiêu thành phố hướng tới là sẽ chuyển đổi 100% bệnh nhân nhiễm HIV điều trị thông qua BHYT vào cuối năm 2019”, bác sĩ Văn Hùng cho hay.

Còn theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, hiện tại 40 cơ sở y tế điều trị HIV trên địa bàn thành phố đã hoàn thành thủ tục hành chính cần thiết, thuốc ARV cũng đã chuẩn bị đầy đủ, về cơ bản TPHCM đã sẵn sàng điều trị cho người nhiễm HIV thông qua BHYT. Tuy nhiên, các cơ sở y tế điều trị HIV sẽ phải tuân thủ quy định chặt chẽ khi thực hiện thanh toán thông qua BHYT.

Với những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, BHXH và ngành y tế sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết với phương châm làm sao cung ứng đầy đủ dịch vụ, không để bệnh nhân bị gián đoạn giữa chừng trong quá trình chuyển giao giữa các chương trình y tế quốc gia sang BHYT.

7 lợi ích khi người nhiễm HIV tham gia BHYT

Theo Thông tư 27/2018 của Bộ Y tế, người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ BHYT chi trả: thuốc kháng HIV; xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng virus HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Tin cùng chuyên mục