Gỡ “nút thắt” vốn cho tuyến metro số 1

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đang triển khai đồng thời các dự án xây dựng metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Trong đó, dự án metro số 1 hiện gặp khó khăn về vốn do vướng mắc ở các thủ tục hành chính. Mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ. 

Không thể gia hạn thỏa thuận vay VN11-P7

Vốn vay ODA của tuyến metro số 1 là hơn 185,1 tỷ yên Nhật, tương đương hơn 38.265 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA cấp phát hơn 70,8 tỷ yên Nhật, tương đương hơn 14.333 tỷ đồng và vốna vay lại hơn 114,3 tỷ yên Nhật, tương đương hơn 23.931 tỷ đồng. Đại diện MAUR cho hay, lũy kế giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương cho dự án tính đến ngày 31-1-2021 là hơn 10.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chưa giải ngân (còn hơn 4.000 tỷ đồng) thuộc 2 thỏa thuận vay đã ký, đó là thỏa thuận vay VN11-P7 (8,647 tỷ yên Nhật) và thỏa thuận vay VN15-P5 (9,167 tỷ yên Nhật). Tuy nhiên, do chậm trễ trong việc xác định vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của dự án, dẫn đến TPHCM không kịp giải ngân vốn ODA cấp phát từ thỏa thuận vay VN11-P7 (đã hết hạn giải ngân vào ngày 22-11-2020). 

Vào cuối tháng 4, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp để giải quyết vướng mắc này. Trong thông báo kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo: Trên cơ sở phê duyệt điều chỉnh quyết định đầu tư dự án metro số 1 của UBND TPHCM, Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và Bộ Tài chính bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách năm 2021 cho dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với phần còn lại đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự toán từ năm 2021 trở đi, theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chỉ đạo UBND TPHCM phối hợp Bộ Tài chính trao đổi với phía Nhật Bản về khả năng tiếp tục gia hạn thỏa thuận vay VN11-P7 cho dự án. 

Gỡ “nút thắt” vốn cho tuyến metro số 1 ảnh 1 Trạm An Phú trên tuyến metro số 1, thuộc TP Thủ Đức, đang hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày 28-4, MAUR có Công văn số 1019/BQLĐSĐT-QLDA1 gửi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. Sau đó, JICA đã có thông báo thời hạn giải ngân của Hiệp định vay số VN11-P7 kết thúc vào ngày 22-11-2020. Như vậy, việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận vay VN11-P7 cho dự án là không thể thực hiện được.

Xem xét phân bổ lại vốn 

Từ những lý do trên, trong văn bản gửi Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính, UBND TPHCM đề nghị Bộ KH-ĐT cho phép TPHCM giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2021 thuộc thỏa thuận vay VN15-P5 (9,167 tỷ yên Nhật, tương đương khoảng 1.952 tỷ đồng). Thỏa thuận vay VN15-P5 hết hiệu lực giải ngân vào ngày 9-6-2026.

Để đảm bảo cho TPHCM sử dụng hết số vốn ODA được cấp phát từ ngân sách trung ương phân bổ cho dự án (tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng), UBND TPHCM đề nghị Bộ Tài chính xem xét phân bổ lại vốn ODA cấp phát/vay lại của thỏa thuận vay VN15-P5, làm cơ sở cho UBND TPHCM đăng ký bổ sung kế hoạch vốn giai đoạn trung hạn 2021-2025 và kế hoạch vốn hàng năm từ nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương. 

Theo MAUR, dự án tuyến metro số 1 đã hoàn thiện đạt 87,27% khối lượng toàn dự án. Trong đó, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt khối lượng thi công 93%; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt trên 98%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt gần 94%; gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 73%. Với dự án metro số 2, đến nay các quận đã ban hành quyết định bồi thường, đạt 99,67% (601/603 trường hợp), tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 79,1% (477/603 trường hợp).

Theo MAUR, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM đã gây ra nhiều khó khăn: đơn vị thiếu hụt nhân lực; phát sinh chi phí khi các thầu phụ thực hiện  “1 cung đường, 2 điểm đến”. Cùng với đó, nhà thầu phải thực hiện “3 tại chỗ” dẫn đến tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng, khối lượng thi công dự án giảm. Tuy nhiên, MAUR vẫn đề nghị các tổng thầu tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng dịch, đồng thời nỗ lực đảm bảo tiến độ vận hành tuyến metro số 1.

Tin cùng chuyên mục