Từ thư bạn đọc

Gỡ vướng trong việc xây dựng khu công nghiệp sạch

Sau nhiều năm triển khai, đến nay dự án Khu công nghiệp sạch ở Khu đô thị mới Nam TPHCM (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) vẫn chưa hoàn thành, do có nhiều vướng mắc phát sinh, cần tập trung tháo gỡ.  

 

 

Khu nhà xưởng Công ty TNHH Xây dựng thương mại Khiêm Khải xây dựng chỉ để cho thuê
Khu nhà xưởng Công ty TNHH Xây dựng thương mại Khiêm Khải xây dựng chỉ để cho thuê
Doanh nghiệp xí phần rồi để đó

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu đô thị mới Nam TPHCM. Theo đó, nơi đây chia thành 22 phân khu, trong đó Phân khu 15 là khu kỹ thuật cao, có diện tích 160ha. Năm 1999, UBND TPHCM ra Quyết định 5080/QĐ chuyển Phân khu 15 thành Khu công nghiệp sạch. Theo quy hoạch chi tiết, Phân khu 15 được chia làm 12 dự án thành phần, gồm bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm nghiền, nhà máy sản xuất hàng gia dụng, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí nội thất…, nhưng thực tế việc thực hiện dự án vẫn còn ngổn ngang. 

Nằm dọc theo hai bên đường Nguyễn Văn Linh là những khu đất hoang, cây cỏ dại mọc um tùm. Công ty TNHH Xây dựng thương mại Khiêm Khải đã được thuê trên 24.500m² từ năm 2003 để làm nhà xưởng, nhưng đến nay công ty này vẫn chưa thực hiện xong việc bồi thường cho người sử dụng đất. Trên phần đất đã giải tỏa, công ty dựng nhà xưởng nhưng chỉ sử dụng một phần; số nhà xưởng còn lại đem cho đơn vị khác thuê. Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Đồng Phú Hưng cũng đã được thuê trên 47.000m² đất từ năm 2004 để làm nhà xưởng, nhưng đến nay chỉ mới đem vào sử dụng một phần. Sau cánh cổng công ty là bãi đất rộng bỏ hoang, chỉ thấy tấm biển tên công ty ở bên đường lẩn khuất trong đám cây. Bên kia đường, Khu công nghiệp Phong Phú vẫn là bãi đất trống, cây dại cao vượt đầu người, chạy dài rộng quá tầm mắt.

Có những doanh nghiệp thuê đất, hoạt động ở đây không đảm bảo tiêu chí sản xuất sạch, như trạm trộn bê tông, gia công cơ khí, da. Việc các chủ đầu tư triển khai dự án, đền bù cho người dân quá chậm có nguyên nhân chính là do nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực, trong khi đó các doanh nghiệp đang được thuê đất với mức giá thấp. 

Vướng ở việc đền bù giải tỏa

Các cư dân tại khu quy hoạch treo này nhiều năm nay phải sống trong tình cảnh thấp thỏm, đi không được vì chủ đầu tư không đền bù thỏa đáng, mà ở lại thì không được nâng cấp, sửa chữa nhà. Bà Lưu Thị Thu cho biết, Công ty Khiêm Khải được thuê đất để làm xưởng sản xuất kinh doanh thương mại, nhưng rồi chỉ xây nhà xưởng để cho thuê, hiện vẫn còn chưa đền bù cho dân khu đất rộng hơn 2.000m². Ông Trần Thanh Hoàng đang phải khiếu nại vì diện tích đất của gia đình không thay đổi nhưng lại có những quyết định đền bù khác nhau: quyết định trước đền bù hơn 500 triệu đồng, quyết định sau lại giảm chỉ còn một nửa. Bà Lê Thị Duyên khiếu nại vì UBND huyện Bình Chánh không căn cứ quyết định thu hồi đất ký ngày 29-8-2016 làm mốc tính giá đền bù thu hồi đất, mà sửa lại, lấy thời điểm ngày 8-12-1994 Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung theo Quyết định 749/TTg, do đó áp dụng mốc tính giá đền bù thu hồi đất thời điểm trước ngày 8-12-1994”. 

Theo Luật gia Trần Đình Thu (Văn phòng Tư vấn pháp luật của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), Quyết định 749/TTg là quyết định phê duyệt quy hoạch chung, chứ không phải quyết định thu hồi đất. Vì thế, việc UBND huyện Bình Chánh sử dụng quyết định quy hoạch thay cho quyết định thu hồi đất và lấy căn cứ thời điểm quy hoạch cách nay gần 24 năm để ký quyết định phương án đền bù cho thời điểm hiện nay là không đúng pháp luật, gây thiệt thòi lớn cho những người bị thu hồi đất.

Trả lời phóng viên Báo SGGP về gỡ vướng trong việc xây dựng Khu công nghiệp sạch, ông Hà Phước Thắng, Trưởng ban Quản lý và Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Nam TPHCM, cho biết: “Nhiệm vụ của ban quản lý là làm đầu mối đầu tư, quản lý quy hoạch và xây dựng. Sau khi các phân khu đã hoàn thiện, sẽ giao về cho địa phương quản lý. Tại Khu công nghiệp sạch, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động sản xuất, song  đến nay có doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng. Theo phân nhiệm, công tác đền bù giải tỏa do các quận - huyện quyết định, thực hiện. Do vậy, ban quản lý không có trách nhiệm trong việc thu hồi đất, đền bù cho người dân. Ban quản lý sẽ tổ chức kiểm tra và phối hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp thích hợp nhằm nhanh tiến độ thực hiện Khu công nghiệp sạch”.

Tin cùng chuyên mục