Tính đến chiều qua, 9-9, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có 3 buổi làm việc tại 3 bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM để lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật Khám chữa bệnh (KCB) dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 11 tới. Trong 3 ngày làm việc, nhiều vấn đề còn lấn cấn trong dự án đã được các ý kiến đóng góp làm rõ, trong đó nổi bật lên những vấn đề lớn như: Thay đổi viện phí và vai trò hội nghề nghiệp trong việc quản lý chất lượng hành nghề y.
Về giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay, nhiều bệnh viện cho rằng, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 14 (ban hành từ năm 1999) hiện đã quá cũ kỹ và lạc hậu với tình hình giá cả hiện nay.
Với mức giá khám bệnh là 3.000 đồng/lần khám và giá giường nằm là 18.000 đồng/ngày, nhiều bác sĩ cho rằng, công khám bệnh của bác sĩ chỉ bằng giá một lần bơm xe hay giữ xe, thậm chí còn thua giá giữ xe ở các vũ trường, nhà hàng lớn. Đây là bất cập rất lớn cho ngành y tế hiện nay.
Chính vì vậy, trong các buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội lần này, nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã đề nghị trong luật nên có những quy định mới về giá viện phí. Nhưng nên quy định như thế nào cho phù hợp với các đối tượng người bệnh – đó chính là câu hỏi lớn mà những người đang góp ý cho dự án luật cũng rất trăn trở.
Theo các ý kiến đóng góp, phương án để Hội đồng nhân nhân cấp tỉnh quy định mức thu giá dịch vụ y tế là phương án tốt nhất vì mỗi địa phương sẽ có những đặc thù về hoàn cảnh kinh tế, mức sống, tốc độ phát triển khác nhau, không nên áp giá đồng đều cho địa phương còn nhiều khó khăn cũng giống như địa phương có tốc độ phát triển nhanh và mức sống cao, vì thế việc để chính địa phương chủ động đưa ra mức thu viện phí là phù hợp.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, nên thiết kế khung viện phí theo tuyến và theo năng lực, mức đầu tư của mỗi cơ sở y tế. TS-BS Lê Quốc Hùng, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng: Việc áp dụng đồng giá với tất cả các tuyến y tế từ tuyến huyện đến tuyến trung ương như hiện nay là không ổn. Không thể nào giá ở tuyến cao hơn, được đầu tư nhiều hơn lại có mức thu bằng giá với những tuyến dưới. Việc này sẽ khiến người dân đổ dồn lên tuyến trên và gây quá tải.
Theo viện sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM: Ở các nước hội nghề nghiệp của ngành y mà cụ thể là tổ chức Y sĩ đoàn là tổ chức có vai trò rất lớn trong việc quản lý chất lượng chuyên môn, chuẩn mực đạo đức của những người hành nghề y.
Tại Việt Nam, vai trò của hội nghề nghiệp của ngành y còn khá mờ nhạt. Hầu hết ý kiến ở các buổi tiếp xúc đều cho rằng, nên tăng quyền cho hội nghề nghiệp, ví dụ như để hội nghề nghiệp tham gia kiểm tra năng lực chuyên môn và cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ ở cả bệnh viện công và tư; tư vấn cho Bộ Y tế thiết kế các phác đồ điều trị chuẩn.
PGS-TS Trần Thiện Trung, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược, cho rằng: Các hội chuyên khoa có vai trò rất quan trọng, làm sao để phát huy được vai trò ấy và hợp lực lên tổng hội để có thể tư vấn chuyên môn cho Bộ Y tế và tham gia cấp phép hành nghề cho các bác sĩ là tốt nhất.
KIM LIÊN
- Thông tin liên quan:
>> Góp ý Luật Khám chữa bệnh: Cần làm rõ nhiều điều khoản