Hà Nội: Dự án thông xe, đường vẫn tắc

Trong năm 2020, TP Hà Nội hoàn thành gần 60 dự án giao thông lớn, trong đó có nhiều công trình được đặt mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra trầm trọng.
Đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: QUANG PHÚC
Đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: QUANG PHÚC

Vào giờ cao điểm, đường trên cao đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở khá thông thoáng, ô tô có thể lưu thông tới 80km/giờ. Thế nhưng chỉ được vài phút vi vu trên con đường mới đẹp đẽ, ngay sau đó, các tài xế đã gặp lại Ngã Tư Sở và phần đường dưới thấp trong cảnh… tắc vẫn hoàn tắc. Như vậy, một phần của dự án có tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng vừa thông xe ngày 9-11 đã không những không giải quyết ùn tắc cho đường Trường Chinh, một trong những điểm “nóng” nhất từ nhiều năm nay, mà ùn tắc còn lan sang cả các tuyến đường lân cận Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Láng… Tình hình tương tự cũng xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với tổng vốn hơn 340 tỷ đồng. Dự án được đưa vào khai thác đầu tháng 10 với kỳ vọng giảm tải cho các nút giao nổi tiếng ùn tắc là Thanh Xuân, Pháp Vân, Nguyễn Hữu Thọ gặp đường Giải Phóng. Tuy nhiên, sau khi khánh thành, các nút giao liên quan càng ùn tắc nghiêm trọng, do lưu lượng phương tiện tăng vọt gây xung đột giao thông. Một số công trình khác như cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với tổng vốn đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng vừa được thông xe cũng không “cứu” được tình trạng ùn tắc vốn trầm trọng trên tuyến đường vành đai 3 hiện nay…

Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thừa nhận, tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố thời gian qua còn diễn biến phức tạp. Hà Nội hiện vẫn tồn tại 33 điểm đen ùn tắc vào giờ cao điểm và đang phấn đấu đến cuối năm giảm 5 - 10 điểm và không để ùn tắc kéo dài quá 15 phút. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không dễ dàng khi giải quyết ùn tắc nội đô cứ thông chỗ này lại dẫn đến tắc chỗ khác. Vào những ngày cuối năm này, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang tiếp tục trầm trọng. Dự báo, các tuyến đường cửa ngõ phía Nam thành phố gồm nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì, đường Giải Phóng sẽ tái diễn cảnh ùn tắc nhất là những ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán.

Trung tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, nhận định, số lượng phương tiện tăng nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chậm được đầu tư nâng cấp đồng bộ, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, ý thức của người tham gia giao thông chưa tự giác… đã dẫn đến tình trạng ùn tắc tại một số tuyến đường trọng điểm. Để khắc phục tình trạng này, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết trong thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức rà soát, kiến nghị với các cơ quan chức năng về công tác tổ chức giao thông trên địa bàn, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo hiệu cấm dừng, đỗ, vạch kẻ đường… 

Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8 - 10 điểm ùn tắc, hạn chế các điểm phát sinh mới. Thành phố sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Thực tế hiện nay cho thấy, các công trình không hoàn thành đồng bộ thì không thể phát huy được hiệu quả. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị, sắp tới là tuyến Cát Linh - Hà Đông, sau đó là tuyến Nhổn - ga Hà Nội, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30% - 35% trở lên, tiến tới từng bước giảm lượng phương tiện cá nhân.

Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm khắc phục tình trạng bất hợp lý trong tổ chức, điều hành giao thông, bởi theo số liệu khảo sát của liên ngành Hà Nội, có đến 80% ùn tắc là do tổ chức giao thông. Để giải quyết căn cơ hơn nữa, các chuyên gia cho rằng phải xử lý vấn đề quy hoạch xây dựng. Chính mật độ chung cư dày đặc đã khiến nhiều tuyến đường rơi vào cảnh càng mở rộng càng tắc.

Tin cùng chuyên mục