Hà Nội giãn cách ngày đầu: Đường vắng, chợ đông

Trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, người dân thủ đô thực hiện khá nghiêm túc, hầu hết mọi người có tâm lý vững vàng, đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Tại các tuyến phố trung tâm, lượng người và xe ra đường rất vắng vẻ.
Phố Huế, quận Hai Bà Trưng thưa thớt phương tiện đi lại lúc 19 giờ ngày 24-7. Ảnh: TTXVN
Phố Huế, quận Hai Bà Trưng thưa thớt phương tiện đi lại lúc 19 giờ ngày 24-7. Ảnh: TTXVN

Ngày 24-7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị thông tin cho báo chí về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố trong vòng 15 ngày, từ 6 giờ sáng 24-7 (theo Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội). 

Chủ trì hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh, việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại thời điểm này là hết sức cần thiết vì diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội thời gian vừa qua rất phức tạp. Từ ngày 27-4 đến nay, Hà Nội đã có 675 ca mắc Covid-19, nhưng có tới 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu hiệu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn, nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành chức năng chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó theo từng cấp độ của dịch. Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng, tính toán kế hoạch để lưu thông, phân phối hàng hóa, cùng việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo không tăng giá. Thành phố cũng có phương án cụ thể tới từng thôn, xã rà soát để hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo.  

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn, với 4 tầng điều trị.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội, cho biết, hiện mức hàng hóa dự trữ của thành phố tăng 3 lần so với các tháng bình thường. Các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng. 

Trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, người dân thủ đô thực hiện khá nghiêm túc, hầu hết mọi người có tâm lý vững vàng, đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Tại các tuyến phố trung tâm, lượng người và xe ra đường rất vắng vẻ.

Tuy nhiên do Chỉ thị 17 được ban hành vào đêm 23-7, nhiều người không biết nên vào sáng 24-7 tại một số khu vực trên địa bàn như: quanh Hồ Tây, hồ Ngọc Khánh, công viên Thống Nhất, vẫn còn một số người ra đường tập thể dục. Tại một số chợ xanh như Thành Công, Nhân Hòa, Láng Hạ, Hàng Bè…, vào đầu giờ sáng còn tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng, với tâm lý tích trữ dù lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở việc đảm bảo giãn cách.

Cùng với đó, một số tiểu thương cũng lợi dụng việc giãn cách để tăng giá một số mặt hàng thực phẩm như rau xanh, thịt và trứng 10%-15% so với ngày thường. Một số siêu thị lớn bày bán hàng hóa dồi dào, lượng khách mua hàng khá đông...

Phía Bắc có ít phương tiện được phép hoạt động trên “luồng xanh” 
 Ngày 24-7, tình trạng ùn tắc giao thông đã xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ Hà Nội, do Chỉ thị 16 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội được ban hành bất ngờ trong đêm, nhiều tài xế chưa nắm được thông tin, nhiều phương tiện chưa đăng ký thẻ nhận diện để được di chuyển trên “luồng xanh”.
Hà Nội giãn cách ngày đầu: Đường vắng, chợ đông ảnh 1 Lực lượng cảnh sát kiểm soát các phương tiện giao thông tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: TTXVN
Tại các chốt kiểm soát dịch của Hà Nội, các phương tiện không có mã QR hoạt động trên “luồng xanh” đều phải quay đầu. Do lượng phương tiện đông, có những chốt bị ùn ứ kéo dài 1 - 2km, điển hình là chốt kiểm soát trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết, hiện số lượng phương tiện nộp hồ sơ xin cấp mã QR lưu thông trên “luồng xanh” ở khu vực phía Bắc rất ít. Do đó, các sở GTVT địa phương cần khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp vận tải nộp hồ sơ tại Cổng dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được cấp thẻ nhận diện có mã QR. Hiện TP Hà Nội đang tổ chức 22 chốt kiểm dịch, dự kiến sẽ bố trí thêm 30 chốt của thành phố và 26 chốt quận huyện để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào thành phố. 
Chiều 24-7, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thay vì cấm hoàn toàn các phương tiện 2 bánh giao hàng (shipper), đơn vị đã đề xuất xây dựng quy trình để cấp mã thẻ nhận diện cho các phương tiện này hoạt động. Hiện trên hệ thống đăng ký “luồng xanh” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa có mục cấp thẻ nhận diện cho xe 2 bánh, do đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ cấp mã thẻ nhận diện cho các shipper hoạt động theo danh sách đề nghị của Sở Công thương Hà Nội và các đơn vị bưu chính viễn thông. 

Tin cùng chuyên mục