
Tham dự chương trình có đại diện các quận, huyện, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế cùng hàng chục không gian sáng tạo công lập và tư nhân trên địa bàn.
Tại đây, Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo thuộc Bảo tàng Hà Nội, đã công bố hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới, đồng thời mở cổng đăng ký trên hệ thống trực tuyến của Thành phố sáng tạo Hà Nội.
Đối tượng tham gia Mạng lưới Không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đang vận hành hoặc phát triển không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố, hoạt động trong các lĩnh vực như thiết kế, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, công nghệ, truyền thông và khởi nghiệp sáng tạo...
Dự kiến, lễ công bố và trao chứng nhận thành viên sẽ được tổ chức vào tháng 6-2025.
Phát biểu tại sự kiện, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Việc Hà Nội kêu gọi tham gia Mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo của thành phố là động thái quan trọng nhằm kết nối, công nhận và hỗ trợ những tác nhân sáng tạo đa dạng định hình nên nền văn hóa của thành phố mỗi ngày”.

Đại diện chính quyền thành phố, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh: “Các không gian sáng tạo thực sự là những "hạt nhân đổi mới", góp phần mạnh mẽ trong việc xây dựng bản sắc văn hóa sáng tạo đặc trưng của Thủ đô, phát triển kinh tế sáng tạo và thúc đẩy hình ảnh một Hà Nội trẻ trung, năng động, hiện đại mà vẫn đậm đà truyền thống”.
Bà Hương cũng cho biết, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp như xây dựng nghị quyết thành lập Trung tâm Công nghiệp văn hóa; chuyển đổi công năng các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo; tổ chức các giải thưởng, lễ hội sáng tạo quy mô lớn; và thúc đẩy kết nối mạng lưới sáng tạo trong và ngoài nước.
Đồng thời, Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội được thành lập nhằm “kết nối các nguồn lực sáng tạo ở địa phương và quốc tế, hỗ trợ phát triển không gian văn hóa sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm sáng tạo và mở rộng thị trường.”
Hà Nội hiện là địa phương có số lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước, khoảng 80/190.
Việc xây dựng mạng lưới chính thức được kỳ vọng tạo nền tảng thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững của Thủ đô.