Hà Nội: Nhiều bất cập về biển báo giao thông

Tại Hà Nội, việc sắp xếp, cắm biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường đang thiếu đồng bộ, thậm chí mang tính chủ quan, tùy tiện, gây khó khăn cho người tham gia giao thông cũng như cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
Biển cấm rẽ trái ở ngã 5 Ô Chợ Dừa nhưng người đi đường vẫn rẽ trái
Biển cấm rẽ trái ở ngã 5 Ô Chợ Dừa nhưng người đi đường vẫn rẽ trái

Biển báo hiệu giao thông nhằm chỉ dẫn người tham gia giao thông được an toàn và đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, tại Hà Nội, việc sắp xếp, cắm biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường đang thiếu đồng bộ, thậm chí mang tính chủ quan, tùy tiện, gây khó khăn cho người tham gia giao thông cũng như cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

Tuyến đường Xã Đàn - Đại Cồ Việt là một trong những tuyến đường nội thành thuộc đường Vành đai 1 của Hà Nội nên có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao không chỉ vào giờ cao điểm. Trên tuyến đường này có hàng chục loại biển báo giao thông khác nhau, đặc biệt, các biển cấm dừng, đậu xe được cắm khá dày đặc trên tuyến đường dài vài kilômét này. Nghịch lý là sau mỗi biển cấm đậu xe lại là biển báo khu vực đậu xe.

Chẳng hạn, trên phố Xã Đàn (ở quận Đống Đa) đoạn sát với gần với Bệnh viện Đa khoa Đông Đô có biển báo cấm dừng đậu xe, nhưng chỉ sau biển báo này chưa đầy 30m là biển báo đậu xe với một khu vực trông giữ ô tô trên cả vỉa hè và lòng đường dài hơn 100m. Hay như trên tuyến đường Đại Cồ Việt (ở quận Hai Bà Trưng) đoạn giao với phố Tạ Quang Bửu gần trụ sở Bộ GD-ĐT cũng có biển cấm đậu xe nhưng phía sau tấm biển này cũng chỉ vài mét là tấm biển nơi đậu xe.

Tại khu vực quận Nam Từ Liêm, trên tuyến đường Nguyễn Hoàng và Lê Đức Thọ cũng xuất hiện một số điểm có biển báo cấm đậu xe và biển báo nơi đậu xe ở cùng một vị trí, khiến người tham gia giao thông vô cùng băn khoăn và bức xúc. Tại đây, sau biển cấm đậu xe là một điểm đậu xe trên đường Nguyễn Hoàng với hàng chục chiếc xe đậu thành 2-3 hàng, tràn từ vỉa hè xuống dưới lòng đường. Điểm đậu xe này do Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đậu xe Hà Nội và giá thu phí trông xe niêm yết theo lượt, theo ngày, đêm hoặc theo hợp đồng tháng. Điều này khiến người dân dễ bị hiểu lầm về hiệu lực của hệ thống biển báo giao thông.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 (là địa phương có tuyến đường Nguyễn Hoàng và Lê Đức Thọ đi qua), cho biết, các điểm đậu xe ngay sau biển cấm đậu tại địa bàn là do Sở GTVT Hà Nội cấp phép nhằm đáp ứng nhu cầu đậu xe của người dân và có thu phí nộp ngân sách nhà nước. “Biển cấm đậu xe là cố định, còn biển đậu xe và điểm đậu xe dưới lòng đường chỉ là cấp phép tạm thời 3 tháng/lần. Tùy thời điểm và theo nhu cầu, cơ quan quản lý có thể gia hạn hoặc thu hồi giấy phép. Quy trình để cắm biển cấm đậu rất phức tạp và mất thời gian nên người ta cứ để như vậy và cấp phép tạm thời cho điểm trông giữ xe tồn tại song song”, ông Hưng chia sẻ.

Tại khu vực ngã 5 phố Ô Chợ Dừa, tại đầu phố có biển cấm rẽ trái từ phố Ô Chợ Dừa sang phố Tôn Đức Thắng và Khâm Thiên nhưng thực tế vì khu vực ngã 5 này rất rộng, biển báo chưa được hợp lý nên rất nhiều người điều khiển mô tô, xe máy vẫn rẽ trái bất chấp biển cấm.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ căn cứ trên cơ sở khảo sát tình hình giao thông thực tế hoặc đề xuất của cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền địa phương nơi tuyến đường đó đi qua để thực hiện phương án tổ chức giao thông, trong đó có việc cắm các biển báo giao thông.

Về điểm trông giữ xe, vị này giải thích, đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải thuộc các hạng mục hạ tầng giao thông tĩnh nên thường hình thành sau. Việc cắm biển báo giao thông và cấp phép bãi đậu xe đều thuộc công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông nhưng hình thành ở 2 giai đoạn khác nhau. Có thể trong quá trình khảo sát hoặc giải quyết thủ tục hành chính, vì một lý do nào đó mà cơ quan chuyên ngành đã chưa lưu tâm đến việc đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong việc tổ chức giao thông tại các tuyến đường nói trên.

Tin cùng chuyên mục