Hà Nội thí điểm chương trình song bằng THPT

Trường THPT Chu Văn An, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa khai giảng chương trình giáo dục song bằng THPT Việt Nam và A-Level của CIE - Anh quốc, khóa học 2017 - 2020. Đây là chương trình song bằng THPT đầu tiên trong toàn quốc.
Học sinh Hà Nội thi vào Trường THPT Chu Văn An
Học sinh Hà Nội thi vào Trường THPT Chu Văn An
Hướng đi mới
Lần đầu tiên từ năm học 2017-2018, Hà Nội thực hiện đề án “Thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A-Level tại Trường THPT Chu Văn An”. Chương trình đào tạo nhằm giúp học sinh dự thi để lấy chứng chỉ A-Level được công nhận quốc tế của Hội đồng Khảo thí Quốc tế - Đại học Cambridge (CIE) uy tín của thế giới; đồng thời, giúp các em có cơ hội phát triển năng lực cá nhân, khả năng thích ứng cao trong môi trường học tập và làm việc theo chuẩn quốc tế. Chương trình được triển khai thí điểm trong giai đoạn 5 năm.
50 học sinh của khóa đầu tiên theo học chương trình được chia thành hai lớp I1 và I2. Tham gia chương trình song bằng, học sinh sẽ học theo chương trình THPT quốc gia Việt Nam do Bộ GD-ĐT quy định. Một số nội dung trong đó đã được tích hợp vào chương trình A-Level. Song song đó, các em sẽ học chương trình A-Level của Vương quốc Anh với 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Kinh tế và Tiếng Anh học thuật.
Chứng chỉ A-Level được công nhận và đánh giá cao bởi nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. CIE sẽ hỗ trợ việc tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn quy định tham gia giảng dạy chương trình thí điểm. Theo bà Lê Thị Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, chương trình A-Level giúp cho học sinh có được phương pháp tư duy và học tập tiên tiến sẽ giúp ích cho các em rất nhiều tăng khả năng hội nhập khi các em chọn lựa nghề nghiệp. 
Còn theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, mô hình triển khai tại Trường THPT Chu Văn An là mô hình song bằng tại một trường công lập đầu tiên trên toàn quốc. Ngành giáo dục thủ đô thí điểm thực hiện chương trình này với kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân toàn cầu cho thủ đô và đất nước. Đáng chú ý, chương trình từ khi bắt đầu đến lúc triển khai chính thức đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh. 
Kiên trì mô hình trường chất lượng cao
50 học sinh Hà Nội - lứa đầu tiên của chương trình đặc biệt này - đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn đầu vào: nằm trên địa bàn TP Hà Nội; học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2016 - 2017, đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn thành phố. Đây là nguyện vọng độc lập, không ảnh hưởng đến nguyện vọng đăng ký vào các trường THPT không chuyên và THPT chuyên. Học sinh phải có điểm tổng kết trung bình cả năm lớp 9 các môn Toán, Vật lý, Hóa học từ 8 điểm trở lên; riêng môn tiếng Anh từ 8,5 điểm trở lên. Trải qua 3 vòng thi: thi viết 2 môn Ngữ văn, Toán theo quy định của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của TP Hà Nội; làm 4 bài thi viết hoàn toàn bằng tiếng Anh các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh. Sau khi có kết quả của vòng 1 và vòng 2, 100 học sinh được chọn ra để phỏng vấn theo các tiêu chí: điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT được xét từ cao xuống thấp; mỗi bài thi của vòng 2 phải đạt chuẩn của CIE. Qua đợt tuyển sinh đầu tiên, học sinh được những chuyên gia tuyển sinh của CIE đánh giá rất cao.
Mức học phí gồm học phí chương trình THPT theo quy định chung của thành phố và mức học phí chương trình A-Level là 7,5 triệu đồng/học sinh/tháng (học 24 tháng, chưa bao gồm lệ phí thi tốt nghiệp theo quy định của CIE). Học sinh hoàn thành chương trình dự thi để lấy chứng chỉ A-Level được công nhận quốc tế của Tổ chức giáo dục CIE. Học sinh tốt nghiệp song bằng có cơ hội lựa chọn các trường đại học uy tín trong nước và trên thế giới.
Hà Nội kỳ vọng đây sẽ là điểm sáng của mô hình trường chất lượng cao (CLC). Vừa qua, ngành giáo dục thủ đô cũng đã triển khai rộng mô hình trường CLC, được người học và phụ huynh ủng hộ. Các trường CLC được đầu tư trang thiết bị hiện đại đã đáp ứng một phần nhu cầu học tập và hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh. Mô hình này được ngân sách nhà nước kéo dài thời gian hỗ trợ 3 năm đầu, kể từ khi được công nhận và sau 3 năm phải tự chủ thu chi thường xuyên. Vì vậy, mức học phí tăng khá nhanh. Hà Nội vừa quyết định mức trần học phí CLC năm học 2017 - 2018 của cấp học mầm non, tiểu học là 4,3 triệu đồng/học sinh/tháng; THCS, THPT 4,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Tuy không dễ dàng trong tuyển sinh vì mức học phí khá cao nhưng Hà Nội cho rằng, xây dựng mô hình trường CLC là hướng đi đúng trong thời kỳ hội nhập, tạo tiền đề giúp ngành giáo dục thủ đô vươn lên dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. 
Đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 15 trường CLC (10 trường công lập và 5 trường ngoài công lập), bao gồm 6 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 1 trường THCS, 3 trường THPT. Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016-2020, đầu tư xây dựng thêm được 20 trường công lập CLC. Trong 10 trường công lập CLC, hiện nay, duy nhất Trường THPT Phan Huy Chú là đơn vị tự đảm bảo thu chi thường xuyên; 9 trường công lập còn lại vẫn đang trong giai đoạn được ngân sách nhà nước hỗ trợ. “Thí điểm dạy chương trình giáo dục song bằng THPT Việt Nam và A-Level của CIE, Anh quốc tại Trường THPT Chu Văn An là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đến lĩnh vực GD-ĐT, mở ra hướng đi mới cho giáo dục phổ thông của thủ đô; định hướng cho việc bổ sung các tiêu chí của trường CLC”, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết.

Tin cùng chuyên mục