Hạ viện Mỹ: Ấn định ngày rút quân khỏi Iraq

Với tỷ lệ quá bán sát nút 218 phiếu thuận, 212 phiếu chống và 1 phiếu trắng trong tổng số 435 phiếu, ngày 23-3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi ngân sách khẩn cấp 124 tỷ USD bổ sung cho cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, trong đó gắn thêm điều kiện ấn định thời hạn chót là ngày 31-8-2008 rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Iraq.

Đây được coi là một thắng lợi lớn của phe Dân chủ tại Hạ viện, nhưng ngay lập tức, Tổng thống George W. Bush đã lên tiếng chỉ trích và dọa sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn cản dự luật này. Phát biểu sau khi Hạ viện bỏ phiếu, Tổng thống Bush mô tả đó là một “trò hề chính trị”, cho rằng với kết quả này, phe Dân chủ chiếm đa số sít sao tại Hạ viện đã rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ lính Mỹ và sẽ dẫn tới một hậu quả duy nhất là “làm trì hoãn việc cung cấp những nguồn lực sống còn cho lính Mỹ tại chiến trường”.

Chủ tịch Hạ viện, Nancy Pelosi, tuyên bố kết quả bỏ phiếu cho thấy tiếng nói của đại đa số cử tri Mỹ đã được lắng nghe và Quốc hội Mỹ đã và đang hành động để giải quyết các mối quan ngại của cử tri. Bà Pelosi nêu rõ người dân Mỹ đã mất lòng tin vào cuộc chiến do Tổng thống phát động và thấy rõ thực tế của cuộc chiến trong khi Tổng thống có vẻ như “không nhìn ra”.

Cuộc tranh cãi tại Thượng viện cũng đang bước vào giai đoạn quyết định với việc ngày 22-3, Ủy ban phân bổ ngân sách đã thông qua dự luật bổ sung ngân sách chiến tranh gắn với thời gian biểu rút các đơn vị lính chiến của Mỹ ra khỏi Iraq sớm hơn 5 tháng so với thời gian của Hạ viện, cụ thể là vào ngày 31-3-2008.

Tuần tới Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật này sau đó Thượng viện và Hạ viện sẽ gộp chung hai dự luật trình Tổng tống Bush. Theo dư luận Mỹ, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên cho thấy xu thế chống chiến tranh Iraq ngày càng gia tăng. Cách đây 2 năm, đa số các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ cuộc chiến.

H.Q. (Theo AFP, Reuters)

Tin cùng chuyên mục