Hái dâu rừng ở dãy Hoành Sơn thu tiền triệu mỗi ngày

Hái dâu rừng ở dãy Hoành Sơn thu tiền triệu mỗi ngày

Mỗi năm, vào tháng 1 đến tháng 2 Âm lịch, người dân các xã Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào vụ hái dâu rừng. Họ len lõi trong những cánh rừng từ mờ sáng đến chiều thì xuống núi bán cho thương lái, đủ để trang trải cuộc sống. 

Những ngọn núi cao trên rặng Hoành Sơn sau Tết Nguyên đán mây mù sương giăng. Xưa kia, đây cũng là lúc giáp hạt, nhân bữa nông nhàn, người dân cùng nhau lên núi hái dâu chín mọng về bán ở các buổi chợ để đổi gạo cho bữa ăn.

1000026950-2093.jpg
Dâu được dân trồng trong vườn nhà

Mỗi năm dâu chín rộ, từ tờ mờ sáng, bà con dưới rặng Hoành Sơn lại vạch sương giăng mây trắng lên núi để tìm hái dâu.

1000026952-4437.jpg
Dâu rừng trên rặng Hoành Sơn

Chị Phạm Thị Liệu (37 tuổi, xã Quảng Hợp) có thâm niên hái dâu 20 năm cho biết: "Mùa dâu năm nay được giá, mỗi lon bán được 50.000 đồng, mỗi ngày 3 anh chị em đi hái đến tầm 16 giờ, thương lái đến thu mua cũng được hơn 3 triệu đồng, đủ mua gạo, sách vở cho con".

1000026953-4995.jpg
Phụ nữ đi hái dâu trên núi

Chị Chu Thị Hạnh cho biết, mấy năm nay nhờ dâu được giá mà mỗi vụ bà con thu vào từ 15 đến 25 triệu đồng, có người trúng vùng dâu năng suất cao thu vào đến 30 triệu đồng.

1000026954-3105.jpg
Mùa dâu chín

Nhiều gia đình nhờ hái dâu mà cuộc sống sinh kế khá hơn trước. Đơn cử như nhà chị Liệu mùa dâu năm 2021 mua được một con bò giống. "Tiết kiệm từ các mùa dâu mà gia đình tôi cũng làm được ngôi nhà mái bằng khang trang", chị Liệu cho biết.

1000026956-4691.jpg
Dâu trên núi cao

Chị Đàm Thị Thanh (xã Quảng Kim) cho hay, trước đây hái dâu rất dễ vì ra bìa rừng là có dâu. Tuy nhiên, người dân dọn rừng trồng cây keo nên dâu cũng bị thu hẹp môi trường, muốn hái dâu phải đi lên núi xa trong rặng Hoành Sơn, đi cả ngày mới có được vài chục lon dâu về bán. Tuy vất vả nhưng mùa giáp hạt có tiền nên cũng ráng đi.

1000026958-3388.jpg
Dâu chín Hoành Sơn

Ngày nay để bảo tồn dâu của rặng Hoành Sơn, người dân trong vùng đã cất công đưa dâu về trồng trong nhà để gây giống. Ông Trần Văn Nam xã Quảng Hợp, cho biết: "Tôi trồng bảo tồn 20 gốc dâu với 30m2 đất. 3 năm qua mỗi năm thu từ tiền bán dâu quả 10 triệu đồng/vụ. Năm nay, mở rộng trồng thêm 100 gốc, chắc chắn thành công vì dễ trồng và bán được giá".

1000026916-1296.jpg
Dầu về nhà được lọc lá riêng, quả riêng

Chủ tịch UBND xã Quảng Kim Chu Viết Dũng cho biết, trước đây, cây dâu, sim mọc rất nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích rừng đã bị khai phá để trồng keo tràm, bạch đàn nên các loại cây rừng cũng ít dần ở Hoành Sơn.

1000026907-6804.jpg
Dâu được bán 1 lon có giá 50.000 đồng

Hiện nay, cùng với một số người dân có sáng tạo đưa cây sim về trồng trong vườn nhà, chính quyền xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được những giá trị của rừng, để cùng chung tay bảo vệ. Đặc biệt, địa phương khuyến cáo người dân không nên đào những giống cây rừng về trồng trong vườn nhà khi không nắm được kỹ thuật dẫn đến cây bị chết, tốn công sức, tiền của, đồng thời vô tình tiếp tay cho việc phá rừng. Việc gây giống cây dâu cũng đang được hướng dẫn kỹ lưỡng để không đào dâu rừng về nhân giống mà mua giống có nguồn gốc để trồng thí điểm cho phù hợp thổ nhưỡng địa phương.

Tin cùng chuyên mục