Hải Dương những ngày giãn cách

Các phương tiện đi vào tỉnh Hải Dương được kiểm soát gắt gao, hầu hết đều phải quay đầu. Công nhân không được ra khỏi địa bàn để đi làm ở những địa phương khác. Người dân đi chợ bằng phiếu ra vào... Đó là những gì đang diễn ra tại Hải Dương sau khi áp dụng giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19.
Các tiểu thương tại chợ ở TP Chí Linh được phát phiếu kinh doanh luân phiên. Ảnh: THANH HƯNG
Các tiểu thương tại chợ ở TP Chí Linh được phát phiếu kinh doanh luân phiên. Ảnh: THANH HƯNG

Giấy đi đường và phiếu vào chợ

Sau hơn 1 ngày Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh, tại TP Hải Dương và các huyện thị như Cẩm Giàng, Bình Gia, Gia Lộc, TP Chí Linh… đã có rất nhiều chốt kiểm soát liên ngành được lập ra. Người và các phương tiện muốn qua chốt ngoài căn cước công dân phải xuất trình đủ giấy chứng nhận nhân thân của UBND cấp xã, thẻ công ty, hoặc giấy giới thiệu công tác mới được đi qua chốt. Tại điểm chốt ra vào đường cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng ở huyện Gia Lộc, các xe mang biển kiểm soát 34 của Hải Dương đều phải quay đầu không được ra khỏi tỉnh. Các phương tiện đi vào tỉnh Hải Dương cũng được kiểm soát gắt gao, hầu hết đều phải quay đầu, trừ những xe chở hàng hóa thiết yếu, nguyên liệu sản xuất, y tế nhưng phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh và phải khai báo y tế rõ ràng.

Tại huyện Cẩm Giàng - nơi có nhiều công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng, lập thêm nhiều chốt kiểm soát. Hơn 6.000 công nhân của 50 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phải lấy mẫu xét nghiệm và nếu có kết quả âm tính mới được vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, cho biết, chỉ cho phép công nhân thường trú, tạm trú tại huyện Cẩm Giàng và có giấy xác nhận của chính quyền địa phương mới được qua chốt, đến công ty. Còn công nhân không được ra khỏi huyện để đi làm ở những địa phương khác. Công nhân từ các nơi khác cũng không được qua chốt để vào huyện, đến công ty. 

Trong khi đó, tại tâm dịch TP Chí Linh, để hạn chế người dân ra ngoài đường, tránh tiếp xúc, UBND TP Chí Linh đã yêu cầu các xã, phường có chợ tiến hành cấp thẻ ra vào chợ cho các hộ kinh doanh cũng như thẻ đi chợ cho người dân trên địa bàn. Các UBND xã, phường dựa vào tình hình thực tế tại địa phương để cho phép các hộ kinh doanh ở chợ bán hàng 2-3 ngày luân phiên trong 1 tuần. Các thẻ có thời gian lưu hành trong vòng 15 ngày. Cụ thể, mỗi một hộ dân được phát 5 phiếu ra vào chợ, mỗi phiếu có giá trị 1 lượt ra, vào. Các tiểu thương, người bán hàng sẽ được phát 3 phiếu, mỗi phiếu có giá trị 3 lượt ra, vào. Các tiểu thương sẽ không được bán hàng trong 3 ngày liên tiếp. Đối với người dân, việc ra vào phải áp dụng theo ngày chẵn/lẻ không sát nhau. Để tránh tụ tập đông người, các phiếu ra vào chợ dân sinh được UBND các xã, phường phát trực tiếp cho người dân tại gia đình. Trong ngày 17-2, tại nhiều khu vực chợ dân sinh của TP Chí Linh, hầu hết người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương này. Một số người dân còn chủ động lập danh sách các nhu yếu phẩm cần mua để tránh mất lượt sử dụng giấy ra vào chợ; đồng thời hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi tham gia mua bán tại các khu vực chợ dân sinh. 

Tạo điều kiện lưu thông nông sản

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày, Sở Công thương tỉnh Hải Dương đã chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất với người dân Hải Dương hiện là lưu thông hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500ha rau màu, đạt trên 87% diện tích, trong đó còn khoảng 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt; 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá. Nếu không bị phong tỏa, mỗi ngày trên địa bàn Hải Dương có rất nhiều xe của các địa phương khác tới thu mua, vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, nhưng hiện tại nhiều phương tiện không thể vào Hải Dương thu mua hàng hóa. Đồng thời các phương tiện vận chuyển hàng hóa của Hải Dương cũng không thể ra ngoài tỉnh, thậm chí đi lại giữa các huyện, xã trên địa bàn cũng rất khó khăn. 

Hiện nay, Sở Công thương và các đơn vị chức năng của Hải Dương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để hàng hóa được lưu thông qua các chốt kiểm soát. UBND tỉnh Hải Dương đã  gửi văn bản tới Bộ Công thương, UBND TP Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương có cửa khẩu đề nghị tạo điều kiện để phương tiện, tài xế và người giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn được ra, vào.

Tin cùng chuyên mục