Hài hòa lợi ích

Hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cởi trói pháp lý, tạo đà cho sự khởi sắc thị trường bất động sản. Vấn đề là những thay đổi đó có đảm bảo hài hòa được lợi ích của nhiều bên: nhà nước, người dân, doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp sản xuất hay không.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó có việc tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.

Liên quan đến các hình thức đấu giá, đấu thầu, các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và lịch sử sử dụng đất hiệu quả sẽ được ưu tiên. Cơ chế mới giúp giảm thiểu các quan hệ “xin - cho”, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh một cách công bằng hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, trong luật này, rất nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người sử dụng đất. Theo đó, những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi, sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường. Điều này nhằm đảm bảo người dân sẽ không bị thiệt. Luật cũng nêu rõ trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thì trong luật mới, trách nhiệm này thuộc về Nhà nước.

Một chính sách mới nổi bật khác là quy định cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quyền tiếp cận đất đai như nhau. Điều này có nghĩa kể từ ngày 1-1-2025 (ngày luật có hiệu lực), người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam) cũng được giữ nguyên...

Đáng nói là Luật Đất đai sửa đổi lần này còn giúp hạn chế các tranh chấp dân sự nảy sinh do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người thân ở trong nước đứng tên; song người đứng tên lại đem bán, trục lợi cá nhân (những vụ việc dạng này rất phổ biến trong nhiều năm qua nên vào năm 2016, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã công bố Án lệ số 02 để thống nhất xét xử). Nguyên nhân khiến kiều bào có nhu cầu mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải nhờ người khác đứng tên là do quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản qua các thời kỳ đều hạn chế việc sử dụng đất, sở hữu nhà và mua bán bất động sản của nhóm chủ thể này…

Bên cạnh những yếu tố kể trên, nhìn từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hà Nội) nhìn nhận, kinh nghiệm từ nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, cho thấy, nếu giá đất nói riêng, giá bất động sản nói chung, tăng quá cao có thể tác động xấu đến sức khỏe của nền kinh tế như giảm hiệu quả đầu tư, phân bổ vốn không đúng định hướng. Trong những trường hợp cực đoan nhất, nó còn có thể là nguyên nhân khiến năng suất tăng trưởng chậm suốt thời gian dài.

Cùng với đó, để thị trường phát triển lành mạnh, cần chú trọng khơi thông dòng tài chính bất động sản, tăng tốc cải cách thực chất thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho việc xin phép xây dựng dự án nhằm giải quyết được sự lệch pha cung - cầu…

Đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên là mong muốn chỉ có thể đạt được khi Luật Đất đai (sửa đổi) được hướng dẫn đầy đủ, thực thi nghiêm túc, đồng bộ với nhiều văn bản pháp luật có liên quan, phát huy tác dụng toàn diện và tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục