Người hâm mộ chưa kịp hân hoan khi ở lĩnh vực điện ảnh, phim hài nhảm đi vào thoái trào, nhường chỗ cho những tác phẩm tử tế thì ở nhiều thể loại khác như: truyền hình thực tế, âm nhạc, phim sitcom... hiện tượng này vẫn đang ngự trị.
Mừng vì bớt “thảm họa”
Cách đây 2-3 năm, khi điện ảnh Việt bắt đầu bước vào giai đoạn “trăm hoa đua nở” nên cứ đến rạp chiếu là thấy chiếu phim hài. Không tính mùa tết, khắp các mùa còn lại trong năm, các nhà sản xuất cũng chỉ chăm chăm làm phim hài vì đơn giản kinh phí thực hiện thấp, khả năng thu hồi vốn cao và trong trường hợp xấu nhất, nếu có lỗ cũng không đến mức tán gia bại sản. Đó là lý do, thời đó khái niệm “thảm họa”, “thảm họa chúa”, “vua thảm họa”... liên tục xuất hiện. Khán giả chưa kịp mừng vì phim Việt bắt đầu chuyển mình thì lại canh cánh nỗi lo ra rạp biết chọn gì, ngoài phim hài.
Và như một quy luật đào thải tất yếu, hài nhảm nay gần như vắng bóng ở lĩnh vực điện ảnh. Điều đó có nguyên nhân quan trọng chính từ gu thưởng thức của khán giả. Khi thị trường điện ảnh Việt, đặc biệt mảng phim chiếu rạp phát triển, nhiều nhà phát hành đã kịp nhập về các phim bom tấn, thậm chí chiếu trước Hollywood phục vụ khán giả. Khi có nhiều chọn lựa, tất yếu khán giả sẽ chọn những tác phẩm chỉn chu, chất lượng. Điện ảnh Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Năm 2015, với khoảng 40 phim ra rạp, doanh thu cán mốc 100 tỷ đồng, trong đó phim nội chiếm 30% với nhiều tác phẩm được khen ngợi hết lời, doanh thu vài chục đến trăm tỷ đồng.
Việc hài nhảm vắng bóng ở lĩnh vực phim ảnh chắc chắn là tín hiệu mừng. Ngoài yếu tố khán giả, nguyên nhân quan trọng chính ở thay đổi nội tại của nhà sản xuất và các êkíp làm phim. Diễn viên Trương Ngọc Ánh từng bày tỏ tâm huyết: “Nếu cứ làm phim hài mà không mạnh dạn đóng góp ở thể loại khác, khán giả sẽ không thể có món ăn mới”.
Yếu tố hài dù vẫn được đan cài trong nhiều bộ phim Việt ra mắt gần đây, như: Bệnh viện ma, Lật mặt 2: Phim trường..., nhưng đều được xử lý và tiết chế tương đối khéo léo. Đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa với Bệnh viện ma, tâm sự, anh không muốn lợi dụng các diễn viên hài trong phim để tạo các chiêu hài “nhây” bởi nếu làm quá sẽ gây ra những tác dụng ngược.
Phim Bệnh viện ma có nhiều yếu tố hài nhưng đều được xử lý và tiết chế khéo léo
Canh cánh nỗi lo
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch Idecaf cũng như nhiều đồng nghiệp khác từng có chung chia sẻ, suốt một năm qua họ gặp muôn vàn khó khăn, sân khấu gần như “chết đứng” bởi sự thống trị của các gameshow hài, truyền hình thực tế về hài phủ sóng trên truyền hình. Với sự phát triển của internet, khán giả không cần phải đến các sân khấu mà chỉ cần bật máy tính, hay điện thoại, truy cập YouTube hay các trang mạng xã hội khác là có thể thoải mái theo dõi các phim hài, phim sitcom hài, MV ca nhạc, tiểu phẩm... một cách dễ dàng, lại hoàn toàn miễn phí.
Đó là lý do, tự thân mỗi sân khấu đã phải thay đổi rất nhiều “đặc sản” vốn có của mình nhằm đáp ứng thị hiếu mới của khán giả và cố gắng không bước vào vết xe đổ “hài nhảm” của truyền hình thực tế.
Ông Huỳnh Anh Tuấn từng đưa ra những lý lẽ rất lạc quan cho rằng, hài nhảm sẽ thoái trào, điều đó có thể đúng nhưng nhìn vào bức tranh gameshow và truyền hình thực tế Việt hiện nay sẽ thấy, đó là câu chuyện của tương lai. Chuyện hài nhảm phủ sóng truyền hình giờ đã cũ, nhưng nếu không có lợi nhuận, doanh thu tại sao nhiều đơn vị sản xuất vẫn cứ ùn ùn nhập về các phiên bản mới.
Sau: Ơn giời cậu đây rồi, Cười xuyên Việt, Tài tiếu tuyệt, Hội ngộ danh hài... là sự xuất hiện của hàng loạt phiên bản mới: Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, 1.000 độ hot, Chết cười... Dù các nhà sản xuất đều cam kết sẽ đi vào chất lượng nhưng vẫn với từng đó gương mặt danh hài, vẫn chỉ các mảng miếng hài, thử hỏi làm sao khán giả không ngán. Từ bão hòa cho đến thoái trào là cả giai đoạn bởi nhìn vào thực tế hiện nay, truyền hình thực tế Việt vẫn đang trên đà phát triển và ăn nên làm ra.
Lại thêm một câu chuyện khác liên quan đến lĩnh vực hài. Theo thống kê của YouTube Việt, danh sách video có lượng người xem cao nhất năm 2015 thuộc về phim ca nhạc hài Giải cứu tiểu thư của ca sĩ Hồ Việt Trung. Trong tốp 10 này, một số MV ca nhạc (hoặc được thể hiện dưới dạng phim ngắn): Hotboy hột vịt lộn, Đời tui là của tui... cũng thuộc thể loại hài. Điều này phần nào phản ánh thực tế các MV, ca nhạc hài sau một thời gian im ắng, giờ đang được ưa chuộng.
MV ca nhạc hài với hàng chục triệu người xem giờ không còn xa lạ (Ảnh từ phim ca nhạc hài Giải cứu tiểu thư 2 của Hồ Việt Trung)
Ca sĩ Hồ Việt Trung từng chia sẻ, anh muốn đi theo con đường của đàn anh Lý Hải - người từng rất thành công ở thể loại ca nhạc hài. Đây cũng là xu hướng đang được không ít ca sĩ trẻ lựa chọn như một cách tiến thân vào showbiz và thậm chí không ít ca sĩ có tên tuổi dùng nó để đánh bóng tên tuổi.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy không ít sản phẩm vẫn đi vào lối mòn: hài nhây, hài nhảm; kịch bản và câu chuyện nhàm chán, đôi khi phản cảm... Với mục đích cuối cùng là mang đến tiếng cười cho khán giả nhưng không thể dựa vào cớ đó để thực hiện các sản phẩm dễ dãi, kém chất lượng.
Sự chuyển động tích cực ở lĩnh vực điện ảnh có thể là bước khởi đầu để khán giả ở các lĩnh vực khác sẽ ngày càng thông minh trong việc lựa chọn các sản phẩm giải trí
VĂN TUẤN