Hải quan điện tử : Ước mơ và hiện thực

Khai từ xa, kiểm tra thì... như cũ
Hải quan điện tử : Ước mơ và hiện thực

Ngày 15-9-2007, Cục Hải Quan TPHCM vừa thực hiện khai báo từ xa đối với hàng gia công và sản xuất xuất khẩu. Ngày 1-10, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử giai đoạn 2, trong đó, TPHCM là một trong những địa phương được chọn thí điểm sâu rộng nhằm tiến tới trình độ quản lý chuyên nghiệp dựa trên nền tảng tự động hóa. Thế nhưng...

Khai từ xa, kiểm tra thì... như cũ

Hải quan điện tử : Ước mơ và hiện thực ảnh 1

Cán bộ Hải quan TPHCM hướng dẫn doanh nghiệp khai báo qua mạng. Ảnh: M.Hg

Trưởng phòng xuất nhập khẩu một công ty may đóng trên địa bàn quận 1 cho biết: “Khi nghe Hải quan TP thông báo về việc thực hiện khai báo từ xa, doanh nghiệp chúng tôi rất mừng vì đây là cách làm mới theo hướng cải tiến, giảm bớt thủ tục. Tuy nhiên, khi thực hiện thì mới nhận ra việc cải tiến chỉ giảm được động tác nhập liệu vào đĩa mềm hay USP rồi mang ra cho cán bộ hải quan nhập máy. Còn lại các công đoạn trước đây vẫn giữ nguyên.

Đôi khi doanh nghiệp đã thực hiện xong việc khai báo trên mạng, đã được hệ thống chấp nhận và cấp cho mã số tiếp nhận hồ sơ qua mạng nhưng khi cầm hồ sơ giấy đi nộp thì cán bộ hải quan lại bảo là chưa nhận được dữ liệu, doanh nghiệp phải về làm lại, rất mất thời gian”. Anh cũng cho biết, để thực hiện khai báo từ xa, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí mua phần mềm: 875-1.000 USD cho phần mềm khai báo sản xuất xuất khẩu và 785 USD cho phần mềm khai báo hải quan. Ngoài ra, doanh nghiệp phải trang bị máy tính, lắp đặt đường truyền ADSL. Tuy nhiên, sự thuận lợi nhận về chưa được như mong muốn.

Nếu như lúc trước, nhân viên xuất nhập khẩu khai báo ở nhà rồi lưu vào đĩa mềm hay USP rồi cầm theo cả bộ hồ sơ, chứng từ gốc lên cho nhân viên hải quan chép vào máy rồi đối chiếu, kiểm tra thì giờ đây, DN cũng vẫn mất một chuyến thân hành lên hải quan để nộp chứng từ gốc phục vụ cho công đoạn kiểm tra, đối chiếu lại với nội dung đã khai từ xa. Công đoạn này được nhân viên hải quan làm bằng… mắt. Khi phát hiện sai sót, hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải chỉnh sửa bằng cách… khai báo từ xa lại từ đầu (nghĩa là khai lại, nhận mã số khai báo mới rồi trở lại trình cho nhân viên). Nhiều người đánh giá việc khai báo từ xa thực chất chỉ là bình mới rượu cũ, chỉ khoác thêm “chiếc áo” công nghệ thông tin nhưng phần nội dung vẫn cải tiến chưa triệt để.

Thí điểm, tập dượt đến bao giờ?

Trước khi thực hiện khai báo từ xa đại trà, Cục Hải quan TP có mở lớp tập huấn cho nhân viên của khoảng 1.000 doanh nghiệp. Anh Phan Thành Luân, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty May Việt Thắng cho biết, học xong một buổi tập huấn cũng chưa thể tự khai được, phải trực tiếp lên Hải quan nhờ hướng dẫn thêm. Công ty chỉ có 2 người được tập huấn khai báo từ xa: một người phụ trách hàng gia công, một người phụ trách hàng xuất khẩu. Nếu một trong hai người có việc đột xuất phải nghỉ thì khâu khai báo đành… chịu chết.

Anh Lê Vũ Hải, cán bộ hải quan quản lý hàng gia công Cục Hải quan TPHCM, đồng thời là nhân viên Tổ hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vướng mắc, cho biết: Trong tuần thực hiện đầu tiên, hầu như các doanh nghiệp đều khai sai, phải chỉnh sửa nhiều lần. Hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 3-5 trường hợp khai sai.

Ông Kiều Tấn Quốc, Trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công nói: “Việc khai báo từ xa thực chất là bước tập dợt cho doanh nghiệp làm quen, tạo tiền đề hòa nhập với hải quan điện tử sẽ được thực hiện sau này. Chúng tôi cho rằng những doanh nghiệp có trên 100 tờ khai mỗi ngày nên mua phần mềm khai báo để tiện cho việc quản lý, thanh khoản. Riêng những doanh nghiệp có ít tờ khai thì nên thanh khoản bằng… thủ công như trước (!)”.

- Sau gần 3 tuần thực hiện khai báo từ xa đối với hàng gia công và sản xuất xuất khẩu tại TPHCM: có 428 DN được cấp mã khai báo, tiếp nhận 72 hợp đồng và tờ khai xuất nhập khẩu gia công, 825 tờ khai xuất nhập khẩu sản xuất xuất khẩu qua hình thức khai báo từ xa.

- Hiện tại, TPHCM mới có 136 DN đăng ký tham gia làm thủ tục hải quan điện tử, từ đầu năm đến nay đã làm thủ tục cho 8.810 tờ khai hàng nhập khẩu, 3.276 tờ khai hàng xuất khẩu, thu 1.370 tỷ đồng.

Cũng cần nói thêm rằng hải quan điện tử sau gần 2 năm triển khai thí điểm lại đang tiếp tục bước vào… thí điểm giai đoạn 2. Giai đoạn đầu, phần mềm khai báo còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Trong thông quan điện tử, nếu hàng của DN bị phân luồng vàng hoặc luồng đỏ thì phải mang hồ sơ lên cho hải quan đối chiếu, sau đó trực tiếp cầm tờ khai ra hải quan cửa khẩu, mất thời gian chẳng kém so với khi làm thủ công tại các cửa khẩu.

Việc phân luồng hàng hóa để xác định hàng hóa có được miễn kiểm tra hay không vẫn phải làm thủ công. Từ phần khai của doanh nghiệp, nhân viên hải quan phải dò đọc trên máy rồi dựa theo tiêu chí quy định để phân luồng chứ chưa thể phân luồng tự động.

Giai đoạn 2 của chương trình thí điểm, Tổng cục Hải quan hứa hẹn sẽ áp dụng chương trình quản lý rủi ro, quy trình kiểm tra sau thông quan, hoàn thiện phầm mềm để tiến tới việc doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà khai báo, hải quan sẽ phân tích, kiểm tra, đối chiếu hoàn toàn trên máy và chuyển xuống các cửa khẩu, DN chỉ còn mỗi việc trực tiếp xuống cửa khẩu nhận hàng hoặc xuất hàng.

Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian - lãnh đạo ngành Hải quan khẳng định như vậy. Còn đối với DN: Vấn đề nằm ở chỗ đến khi nào họ mới thoát khỏi cảnh ứng dụng công nghệ thông tin nửa vời như hiện nay, khi mà lộ trình thí điểm hải quan điện tử được Thủ tướng Chính phủ quyết định gồm 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7-2005, kết thúc vào tháng 2-2007 và triển khai rộng khắp trên cả nước vào năm 2008 đã không thể kịp tiến độ?

Đoàn Mai Hương

Tin cùng chuyên mục