Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi đến Bộ Tư pháp được xây dựng gồm 4 chương, 20 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc, trách nhiệm Ban tổ chức lễ hội, quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, thẩm quyền, trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội; phân định trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội; trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước về lễ hội của các Bộ có liên quan; trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong số những nội dung cụ thể của dự thảo, đáng lưu ý là quy định số lượng khách mời tham dự lễ hội phải phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội, hạn chế mời đại biểu cơ quan Trung ương, trừ trường hợp lễ hội quy mô cấp quốc gia. Tổ chức lễ hội phải không ảnh hưởng đến cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo vệ sinh môi trường và quy định việc tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.
Trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội và quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia lễ hội cũng được xác định rõ trong dự thảo, theo đó, Ban tổ chức lễ hội phải quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai minh bạch, đúng mục đích; đồng thời sau khi kết thúc tổ chức lễ hội phải báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan có thẩm quyền.
Quyền lợi của người tham gia lễ hội được thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật phụng thờ, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng; thể hiện mong muốn điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước; được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần. Đồng thời quy định trách nhiệm của người tham gia lễ hội phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hoá trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Đối với các lễ hội tổ chức lần đầu, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề do cơ quan Trung ương tổ chức (quy mô cấp quốc gia) hoặc lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có từ 02 tỉnh trở lên tham gia hoạt động tổ chức lễ hội (quy cấp khu vực); lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức.
Lễ hội truyền thống được khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên; lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia hoạt động tổ chức lễ hội (quy mô cấp tỉnh) được tổ chức lần đầu phải đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao trước khi tổ chức lễ hội. Lễ hội tổ chức từ lần thứ hai trở đi được coi là lễ hội định kỳ và thực hiện thủ tục thông báo.