(SGGPO).- Nhiều đại biểu bày tỏ tán thành phương án giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố quy định định mức diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú ở nội thành thành phố lớn bởi đã từng có trường hợp chủ nhà ở có diện tích 20m² bảo lãnh cho 25 người nhập hộ khẩu
Khen thưởng không phân biệt khối nhà nước – tư nhân
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng lần này tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Mọi cá nhân, tổ chức tham gia thi đua đều được xem xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc, có công trạng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được ghi nhận biểu dương, khen thưởng.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, Khen thưởng tập trung vào các quy định có liên quan đến một số Luật, Pháp lệnh hiện hành về các đối tượng, thẩm quyền khen thưởng như: nâng cao tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng để tránh khen thưởng theo tích lũy thành tích, trùng lắp, tràn lan. Đồng thời, quy định thống nhất các hình thức khen thưởng cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; làm rõ về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị khen thưởng của cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng ở Trung ương, Kiểm toán Nhà nước.
Trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự kiến sửa đổi, bổ sung 44 điều, tập trung vào hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Đáng lưu ý, liên quan đến thẩm quyền quyết định công nhận danh hiệu thi đua và tặng giấy khen của Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, để đảm bảo không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “nhà nước”.
Về việc xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, dự thảo quy định, thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) 5 năm xét một lần vào dịp Đại hội thi đua yêu nước các cấp thay cho xét tặng hằng năm như hiện nay; thời điểm xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước là 3 năm xét tặng một lần thay cho 2 năm xét một lần như hiện nay, nhằm nâng cao giá trị tôn vinh. Thời điểm xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” cũng là 5 năm một lần thay cho 2 năm một lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh” 5 năm xét tặng một lần.
Hạn chế nhập cư vào thành phố lớn
Tán thành nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú, song đại biểu (ĐB) Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) cho rằng những nội dung được sửa đổi còn ít, chưa giải quyết được nhiều bức xúc của các địa phương trong quá trình quản lý dân cư. “Trách nhiệm xác nhận diện tích nhà ở của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ để làm thủ tục cho đăng ký thường trú là của ai? Kinh phí ở đâu? Dự luật cần làm rõ điều này”, bà Thắm phát biểu.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ tán thành phương án giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố quy định định mức diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú ở nội thành thành phố lớn. ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nói thêm: “Tôi rất đồng ý với quy định này, bởi đã từng có trường hợp chủ nhà ở có diện tích 20m² bảo lãnh cho 25 người nhập hộ khẩu”.
Lưu ý đến tình trạng gia tăng số vụ bóc lột lao động, xâm hại trẻ em trong thời gian gần đây, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung điều khoản yêu cầu có văn bản chấp thuận của người giám hộ hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình khi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho trẻ em dưới 16 tuổi.
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm chưa thực sự rõ ràng và chưa bao quát hết các hành vi giả mạo khác cũng với mục đích đăng ký thường trú, do đó cơ quan soạn thảo cần rà soát lại để đảm bảo tính khả thi và đầy đủ của dự luật; hoặc chỉ quy định về nguyên tắc mà không quy định kiểu liệt kê...
ANH PHƯƠNG