Hạn chế số lượng doanh nghiệp và xe hoạt động vận tải hành khách

Ngày 13-10, tại TPHCM, Bộ GTVT cùng các tỉnh thành khu vực phía Nam tổ chức hội nghị sơ kết 9 tháng “Triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”.
Hạn chế số lượng doanh nghiệp và xe hoạt động vận tải hành khách

(SGGPO).- Ngày 13-10, tại TPHCM, Bộ GTVT cùng các tỉnh thành khu vực phía Nam tổ chức hội nghị sơ kết 9 tháng “Triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”.

Hình ảnh từ camera giám sát hành trình của xe buýt tại TPHCM được truyền về Trung tâm quản lý điều hành. Ảnh minh họa: T.L

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải hành khách thời gian qua rất tích cực, hành khách có thể sử dụng các thiết bị điện thoại, máy tính để kết nối với các xe ô tô vận chuyển hành khách của các đơn vị có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, máy tính được các Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng; quản lý được lộ trình, tiền cước, đánh giá chất lượng phục vụ ngay sau khi kết thúc hành trình…

Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý tăng cường quản lý đối với những hoạt động kinh doanh vận tải của các xe hợp đồng dưới 9 chỗ, đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Đối với cơ quan quản lý thuế sớm thống nhất, hướng dẫn doanh nghiệp để đảm bảo công bằng về thuế. Thanh tra GTVT phối hợp lực lượng công an, cơ quan thuế đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế.

Theo Bộ GTVT, vẫn còn nhiều bất cập về điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động vận tải như một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không có phù hiệu xe hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Phần mềm kết nối khi thực hiện, chưa thuân thủ quy định của Việt Nam, đặc biệt là điều kiện kinh doanh xe hợp đồng. Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để kiểm tra và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch thương mại điện tử của Uber; bất cập trong hướng dẫn thu thuế GTGT…

Bộ GTVT đề nghị các đơn vị kinh doanh, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tiếp tục góp ý các quy chuẩn, quy định pháp luật còn những vướng mắc gì, đề xuất chỉnh sửa; giữa các doanh nghiệp có vướng gì với nhau không… trên cơ sở đó Bộ GTVT sẽ hoàn chỉnh cơ chế, chính sách quản lý. Bên cạnh đó, sẽ hạn chế đơn vị kinh doanh và số lượng xe. Thời gian thí điểm là 2 năm.

Hiện tại, có ba ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm. Đó là ứng dụng của Công ty TNHH GrabTaxi (đề án thí điểm GrabCar); ứng dụng của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (đề án thí điểm V-Car) và gần đây nhất, ứng dụng của Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (đề án thí điểm Thanh Cong Car) được Bộ GTVT chấp thuận triển khai thí điểm.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục