Hạn chế trẻ em “đua” công nghệ

Trong dịp tết năm nay, mặc dù tình hình kinh tế suy thoái nhưng nhiều phụ huynh đã không ngần ngại mua máy tính bảng, điện thoại thông minh làm quà tết tặng con đang tuổi thiếu nhi, xem đó là cách đáp ứng đúng nhu cầu thời công nghệ thông tin. Xu thế này có nhiều điều phải bàn.
Hạn chế trẻ em “đua” công nghệ

Trong dịp tết năm nay, mặc dù tình hình kinh tế suy thoái nhưng nhiều phụ huynh đã không ngần ngại mua máy tính bảng, điện thoại thông minh làm quà tết tặng con đang tuổi thiếu nhi, xem đó là cách đáp ứng đúng nhu cầu thời công nghệ thông tin. Xu thế này có nhiều điều phải bàn.

  • Lợi bất cập hại

Đến thăm một người bạn, tôi nghe anh tự hào khoe rằng con trai mới 4 tuổi đã sử dụng thành thạo iPhone, iPad; hễ thấy bố về nhà là cháu mượn iPhone ngoan ngoãn ngồi chơi game, không làm phiền ba mẹ. Mỗi lần có khách hay bận làm việc ở nhà, anh chỉ cần đưa chiếc iPhone cho con là có thể ngồi chuyện trò hàng giờ hay yên tâm tập trung vào công việc mà không bị cháu quấy rầy và không phải lo lắng cháu chạy nhảy nghịch ngợm nguy hiểm.

Anh bạn giải thích thêm: “Khác với các đồ chơi truyền thống đơn điệu, mình có thể lựa chọn các thiết bị công nghệ với kho ứng dụng khổng lồ trên mạng cho con chơi, giúp trẻ liên tục thay đổi trò chơi mà không nhàm chán. Tiếp xúc với các trò chơi trên các thiết bị công nghệ giúp trẻ sớm có hiểu biết về công nghệ thông tin, mở rộng nhận thức. Chẳng hạn như khi chơi trò chém hoa quả, khả năng phản ứng của trẻ được cải thiện đáng kể, trò Angry Bird giúp trẻ tìm cách phối hợp giữa sức lực và phương hướng… Ngoài ra, mình còn sử dụng máy tính bảng cho con tập tô chữ, vẽ tranh, đánh vần, nhận biết kiến thức tự nhiên qua hình ảnh dễ dàng hơn nhiều so với dùng sách, truyện hay tranh ảnh giấy như trước và thấy cháu cũng hứng thú hơn”.

Trẻ em rất thích sử dụng sản phẩm công nghệ cao.

Trẻ em rất thích sử dụng sản phẩm công nghệ cao.

Tuy anh hào hứng như vậy, nhưng nhìn Cu Bin cắm cúi chơi game chẳng đoái hoài gì bà nội ngồi kế bên, nhớ lại khi tôi vào nhà mà cháu cũng chẳng chạy đến dạ thưa, tôi cảm thấy không an tâm. Đã có những cảnh báo đáng lưu ý về việc nghiện game, nghiện internet sẽ dẫn đến suy giảm trí lực ở trẻ nhỏ. Thời gian lên mạng càng nhiều thì thời gian giao lưu, tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc trực tiếp với thế giới xung quanh càng bị thu hẹp. Các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng thu hút toàn bộ khả năng tập trung của trẻ vào màn hình, khiến trẻ không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh. Do đó, nó có thể làm giảm hứng thú của trẻ với thế giới chân thực ngoài đời. Ngay với bố mẹ, ông bà, người thân, bạn bè, trẻ cũng không muốn trò chuyện.

  • Học trò đua đòi smartphone

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, khi lượng khách hàng đã bão hòa, gần đây các nhà mạng nhắm đến đối tượng khách hàng tiềm năng là học sinh tuổi thiếu niên, quảng cáo dành chế độ ưu đãi khá lớn cho khách hàng là học sinh dùng điện thoại.

Với những tính năng đa dạng và giá bán ngày càng rẻ hơn, việc trang bị cho con chiếc smartphone đối với nhiều gia đình nay đã là chuyện nhỏ. Nhiều phụ huynh không tiếc tiền sắm cho con những chiếc smartphone đắt tiền, thứ được giới trẻ coi như món đồ trang sức, thể hiện “đẳng cấp”, do vậy, có không ít học sinh mới học tiểu học đã có iPhone bên mình, chỉ để quay phim, chụp ảnh và chơi game.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng khi con có smartphone, mình sẽ có cơ hội quản lý và giữ liên lạc thường xuyên hơn. Tuy nhiên, do đây là lứa tuổi năng động, nhạy bén, ham khám phá, trong khi bản lĩnh chưa vững vàng, thích cái mới nhưng thiếu sự chọn lọc, học sinh sử dụng smartphone cho nhiều mục đích khác nhau như chơi game, xem phim, nhắn tin, trêu đùa, hẹn hò, chat trêu chọc bạn bè cùng lớp... mà xao nhãng việc học hành dẫn đến kết quả học tập kém. Hiện nay trên smartphone và máy tính bảng dễ dàng tải về những phần mềm miễn phí có nội dung không dành cho trẻ em như truyện, hình ảnh, phim và cả game khiêu dâm, sẽ khiến việc phát triển tâm sinh lý của trẻ bị ảnh hưởng thiếu lành mạnh.

Thêm nữa, khi sử dụng smartphone, các bạn trẻ thường ít trao đổi tâm tư, tình cảm với người thân trong gia đình. Nhiều vấn đề xã hội và học tập thay vì hỏi cha mẹ, ông bà, anh chị thì các em vào Google. Tất nhiên, những đáp án trong đó có thể nhanh và dễ hiểu hơn, nhưng vô hình trung làm xuất hiện tư tưởng không cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ, ông bà. Hơn thế, với chức năng nghe nhạc trên smartphone, hết giờ học, các em lại về phòng mình, mở nhạc, cắm tai nghe, không còn quan tâm tới những gì diễn ra xung quanh... nên quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo, xa cách hơn.

Ở lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng, tư duy, tính cách hình thành chưa đầy đủ, dễ bị tác động bởi các ngoại lực xấu, nên để hạn chế những mặt tồn tại, bất cập từ việc sử dụng các thiết bị công nghệ, các phụ huynh chỉ nên trang bị cho con khi thực sự cần thiết, có sự quản lý sát sao. Cần quy định trẻ được chơi game bao lâu mỗi ngày, chơi những loại game gì, đồng thời hướng trẻ đến cách vui chơi khác như đưa trẻ đi xem phim, dã ngoại, vui chơi ngoài trời.

Trẻ nhỏ ngày càng có xu hướng ít quan tâm đến mọi người khi có ĐTDĐ trên tay. Chúng tôi thường gặp nhiều em học sinh vừa đi vừa nghe nhạc từ điện thoại rồi nhún nhảy theo, ai nói gì cũng không nghe, không biết. Nếu không có điện thoại, các em sẽ quan tâm nhiều hơn đến người xung quanh, lắng nghe mọi thứ bên ngoài, làm cho các em thấy gần gũi với cuộc sống, với mọi người hơn từ đó sẵn sàng sẻ chia mọi chuyện khi cần thiết.

HIẾU THẢO

Tin cùng chuyên mục