Hàng không Anh quá tải vì thiếu nhân lực

Do thiếu nhân lực, các sân bay tại Anh đang chật vật để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách. Tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra thường xuyên, buộc Bộ Giao thông Anh phải yêu cầu các hãng hàng không ngừng bán vé nếu không sắp xếp đủ nhân viên. 
 Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Manchester
Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Manchester

Thiếu hụt nhân sự là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không. Họ từng khuyến khích hàng ngàn nhân viên nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm để cắt giảm chi phí lương thưởng trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Giờ đây, các hãng lại phải chạy đua để tuyển phi công, tiếp viên hàng không và những người lao động khác.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại Anh, khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh buộc nhiều nhân viên phải ở nhà, trong lúc nhiều người khác lại quyết định bỏ ngành để tìm công việc tốt hơn. Do không nắm được thông tin các biện pháp hạn chế đi lại sẽ được dỡ bỏ vào đầu năm nay, các hãng hàng không đều bị động và khó tuyển người để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách đang phục hồi nhanh chóng. Dự báo từ giới chuyên gia cho rằng, vấn đề này sẽ mất nhiều tháng mới có thể cải thiện.

Theo thông báo của Bộ Giao thông Anh, các hãng hàng không chỉ nên quảng cáo lịch trình theo đúng khả năng đáp ứng dịch vụ với lực lượng nhân viên hiện có. Ngoài ra, quyết định hủy chuyến nên được công bố từ trước. Thông báo hủy chuyến sát giờ và tình trạng chậm trễ quá mức tại các sân bay gây ảnh hưởng không chỉ đến tâm lý hành khách mà còn cả với lòng tin dành cho ngành hàng không nước này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps cho biết, các sân bay đã phải đối mặt với tình trạng quá tải trong dịp lễ Phục sinh vào tháng 4 vừa qua. Một số biện pháp đã được đưa ra, nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Dù chính phủ đã cảnh báo, các hãng hàng không vẫn bán số lượng vé máy bay nhiều hơn khả năng đáp ứng. Cơ quan Hàng không dân dụng (CAA) cảnh báo, tình trạng này kéo dài sẽ kìm hãm đà phục hồi của ngành hàng không xứ sở sương mù.

Người đứng đầu CAA Richard Moriarty cho rằng, các hãng hàng không và sân bay cần phối hợp để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.

Chậm trễ và hủy chuyến liên tục khiến hành khách bực mình, họ phàn nàn về thời gian chờ đợi kéo dài hàng giờ đồng hồ. Khoảng thời gian này thậm chí còn dài hơn thời gian bay của họ. Một trong những sân bay bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng chậm, hủy chuyến là sân bay Manchester. Sân bay này chuyên phục vụ hành khách ở miền Bắc nước Anh. Thời gian gần đây, tình trạng hành khách phải xếp thành hàng dài tại sân bay Manchester thường xuyên xảy ra.

Hai hãng hàng không có tần suất chậm, hủy chuyến nhiều nhất là British Airways và EasyJet đã phải đưa ra các phương án để làm hài lòng khách hàng. Trong đó có việc liên hệ khách hàng trên các chuyến bay bị hủy và cung cấp cho khách hàng các phương án để lựa chọn, bao gồm đặt chuyến bay khác hoặc nhận phiếu giảm giá hay được hoàn tiền toàn bộ.

Trong thời gian cao điểm của mùa bay sắp tới, Hãng hàng không EasyJet dự kiến giảm số ghế ngồi dành cho hành khách trên chiếc Airbus A319 xuống còn 150-156 chỗ. Điều này sẽ tạo điều kiện để các máy bay A319 của EasyJet bay vận hành với 3 tiếp viên thay vì 4 người, theo quy định của CAA.

Theo luật lệ, các hãng hàng không hoạt động tại Anh phải đáp ứng yêu cầu có một tiếp viên cho tương ứng 50 chỗ ngồi hành khách. EasyJet cho biết, việc cắt giảm chỗ ngồi là biện pháp hiệu quả để xây dựng khả năng phục hồi bổ sung và tính linh hoạt cho hoạt động của hãng trong mùa hè này.

Tin cùng chuyên mục