Hàng không giá rẻ châu Á không “sợ” khủng hoảng tài chính

Hàng không giá rẻ châu Á không “sợ” khủng hoảng tài chính

Một số hãng hàng không giá rẻ ở châu Á vẫn gấp rút triển khai kế hoạch mở rộng hoạt động, dẫu thế giới đang bị khủng hoảng tài chính. Những tháng gần đây, giá trị đồng tiền các nước châu Á đã tăng giá đáng kể so với đồng USD, giúp các nước châu Á ít bị tác động hơn khi giá dầu tăng. Mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử cũng đang làm giá các loại máy bay mới rẻ hơn.

Mở rộng đường bay

Tony Davis, Tổng Giám đốc Hãng Tiger Airways (Singapore) thừa nhận, hiện ông rất hài lòng khi được điều hành một hãng giá rẻ tại châu Á hơn là quản lý một hãng khác ở châu Âu hay Mỹ. Davis cho biết: “Bên ngoài vùng ảnh hưởng của đồng USD, còn có những khu vực tiền tệ có thể sinh lợi khác và chắc chắn là chúng tôi đang tận dụng lợi thế này”. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại Đông Nam Á vẫn rất cao vì hhông có lựa chọn khác ngoài máy bay tại một nơi thiếu đường sắt cao cấp hoặc hệ thống đường bộ tốt.

Hàng không giá rẻ châu Á không “sợ” khủng hoảng tài chính ảnh 1

Máy bay của hãng giá rẻ Tiger Airways

Jetstar Australia, hãng hàng không giá rẻ của Australia, đã thầu lại những đường bay đến Nhật Bản từ Qantas, hãng hàng không có phần hùn trong Jetstar. Jetstar cũng thông báo sẽ đặt trụ sở mới ở Perth, thủ phủ Tây Australia. Hãng bắt đầu bay từ Perth đến Bali, Jakarta và Indonesia trong tháng 10 này. Một đường bay mới Sydney - Darwin - TPHCM cũng được khai trương trong tháng 9. Tháng 11 tới, Jetstar sẽ bay đến Siem Reap và Phnôm Pênh (Campuchia).

Tiger Airways, với 49% vốn thuộc sở hữu của Singapore Airlines, đang đàm phán với Chính phủ Australia về việc mở thêm những đường bay quốc tế tới Australia. Hãng cũng đang đẩy mạnh đàm phán về việc mở thêm chi nhánh ở Hàn Quốc, liên doanh với chính quyền thành phố Incheon để lập Hãng Incheon Tiger Airways.

AirAsia của Malaysia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á (tính theo số lượng máy bay), cũng đang xúc tiến một chương trình mở rộng đường bay đầy tham vọng. Gần đây, hãng đã giới thiệu 4 điểm đến mới: Kuantan (Malaysia); Makassar (Indonesia); Hà Khẩu và Hồng Công (Trung Quốc). Tony Fernandes, Tổng giám đốc AirAsia, cho biết sẽ mở thêm đường bay đến Nam Ấn Độ vào cuối năm nay.

Tận dụng mọi cơ hội

Peter Harbison, Chủ tịch Trung tâm Truyền thông hàng không châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, AirAsia có thể vượt lên, thoát khỏi tình hình khủng hoảng tài chính và suy sụp kinh tế được dự báo còn kéo dài 12-18 tháng nữa, bởi hãng này “tương đối mạnh hơn rất nhiều so với hầu hết đối thủ cạnh tranh”.

Một điều kiện thuận lợi của AirAsia là cơ cấu tổ chức kiểu khu vực phân tán của hãng. Thông qua các hoạt động liên doanh, cơ sở của họ có mặt nhiều nơi tại Thái Lan, Indonesia và cả ở Malaysia. Điều này cho phép họ vừa có thể chuyển bộ phận hành chính đến những nơi có chi phí thấp nhất, vừa kết nối các điểm đi và đến hiệu quả hơn.

Harbison cho biết: “Chi phí cơ bản của AirAsia rất thấp. Hãng cũng đã thương lượng mua được một lượng lớn máy bay với giá rất tốt, các máy bay này rất tiết kiệm nhiên liệu. Nhờ đó, AirAsia có thể tiếp tục cung cấp vé máy bay giá rẻ và tiếp tục thu hút thị trường”. Gần đây, hãng này đã mua 67 chiếc A320 mới để thay thế đội máy bay Boeing 737. Họ cũng đã thỏa thuận sẽ mua tổng cộng 174 máy bay.

Kế hoạch cho ra mắt VivaJet, một hãng hàng không giá rẻ khác của Australia, cũng được ráo riết thực hiện. VivaJet có thể bắt đầu đón khách nội địa và chuyên chở hàng hóa từ tháng 11. Hãng sẽ sử dụng các loại máy bay tầm bay ngắn như máy bay Embraer E-170 và E-190, máy bay dùng turbine cánh quạt ATR-72 và cả máy bay chở hàng Airbus A300F.

Theo Davis, các hãng hàng không giá rẻ đang tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng. Ông nói: “Các hãng vận chuyển giá rẻ giống những nhà bán lẻ giảm giá như Wal-Mart. Tôi nghĩ rằng sự so sánh này khá đúng”. 

NGỌC TRUNG (theo IHT)

Tin cùng chuyên mục