Hãng phim truyền hình nhà nước liệu có “xóa sổ”?

Những năm gần đây, hầu hết các đài truyền hình (ĐTH) đã dành nhiều ưu ái để phát sóng phim truyện Việt Nam. Thế nhưng, trong khi số lượng phim Việt tăng, hãng phim tư nhân “nở nồi”, thì các hãng phim truyền hình trực thuộc các ĐTH lại có chiều hướng bị… “xóa sổ”. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng trong thực tế, thật khó để các ĐTH duy trì hãng phim trong thời buổi kinh tế thị trường cần sự chuyển đổi, nhanh nhạy và linh hoạt như hiện nay.
Hãng phim truyền hình nhà nước liệu có “xóa sổ”?

Những năm gần đây, hầu hết các đài truyền hình (ĐTH) đã dành nhiều ưu ái để phát sóng phim truyện Việt Nam. Thế nhưng, trong khi số lượng phim Việt tăng, hãng phim tư nhân “nở nồi”, thì các hãng phim truyền hình trực thuộc các ĐTH lại có chiều hướng bị… “xóa sổ”. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng trong thực tế, thật khó để các ĐTH duy trì hãng phim trong thời buổi kinh tế thị trường cần sự chuyển đổi, nhanh nhạy và linh hoạt như hiện nay.
 
Hãng phim nhà nước co cụm

Hiện nay, chỉ còn VFC (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) và TFS (thuộc Đài Truyền hình TPHCM) là hai hãng phim truyền hình kỳ cựu còn bám trụ được. Được thành lập sớm nhất (năm 1991), đến nay TFS vẫn là một hãng phim truyền hình đi tiên phong trong việc sản xuất phim truyện dài tập, phim truyện đề tài truyền thống cách mạng, ký sự truyền hình, tài liệu dài tập… VFC ra đời muộn hơn (năm 1994), nhưng có thế mạnh và tạo được dấu ấn đặc biệt trong mảng phim đề tài chính luận nhiều gai góc, dữ dội.

Phim Dưới cờ đại nghĩa do Hãng phim TFS sản xuất.

Phim Dưới cờ đại nghĩa do Hãng phim TFS sản xuất.

Một vài ĐTH cũng có hãng phim, xưởng phim, nhưng do bộ máy cồng kềnh hoặc làm việc không hiệu quả, cuối cùng bị “xóa sổ” hoặc đang sống “thoi thóp”. Trong đó phải kể đến hãng phim của Đài PTTH Bình Dương, Đài PTTH Hậu Giang (đã giải thể), Hãng phim Tây Đô (Đài PTTH Cần Thơ), xưởng phim thuộc Đài PTTH Hải Phòng... Ra đời năm 1999, hãng phim thuộc Đài PTTH Bình Dương những năm đầu tham gia sản xuất phim, các chương trình ca nhạc, gameshow khá “xôm tụ”, nhưng do thường xuyên thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả nên sau gần 15 năm hoạt động cầm chừng, đến năm 2012 hãng phim này đành giải thể.

Hiện Hãng phim Tây Đô cũng đang trên bờ vực chờ… giải thể, vì 10 năm nay không sản xuất được phim nào, chỉ “sống” cầm chừng bằng việc thực hiện một số chương trình… sân khấu cải lương!

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Hãng phim VFC, cho rằng: “Khi các ĐTH nói chung và các hãng phim truyền hình nói riêng thoát khỏi cơ chế bao cấp, bung ra thị trường thì các hãng phim này rất khó theo kịp vì phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về cơ cấu, nhân sự… mà cụ thể với việc sản xuất phim là tìm mua được kịch bản hay, mời được diễn viên, đạo diễn giỏi khi mà vẫn phải chịu sự khống chế về giá thành, khung thù lao…?! Nếu hãng phim không thay đổi kịp là tan ngay!”. Đài PTTH Vĩnh Long hiện nay đang là ĐTH có lượng khán giả theo dõi khá đông, rating cho khung giờ phim Việt phát trên ĐTH này cũng khá cao, nhưng lãnh đạo đài khẳng định không mở hãng phim và nêu rõ ý kiến: “Quản lý một hãng phim không phải chuyện dễ dàng.

Ít nhất nhân sự cũng phải từ 50 đến 60 người, tiền nuôi quân một năm cũng gần 10 tỷ đồng, trong khi đó nhân sự (chuyên viên âm thanh, ánh sáng, đạo cụ) chưa chắc gì có người giỏi bằng ngoài thị trường. Cơ chế nhà nước nhiều thủ tục, chứng từ mà có những khoản chi trong quy trình sản xuất phim không thể có hóa đơn, chứng từ, làm sao giải trình, làm sao được duyệt…?! Chúng tôi cũng đã tính thành lập hãng phim trên cơ sở từ các đoàn phim, nhưng khó lắm. Sở dĩ tư nhân làm được là vì họ biết linh động, uyển chuyển, còn với cơ chế của nhà nước, hãng phim truyền hình khó mà tồn tại được!”.
 
Thời của hãng phim tư nhân?

Thật khó có thống kê đầy đủ, chính xác số hãng phim tư nhân hiện nay có hợp tác, liên kết sản xuất phim cho các ĐTH. Tuy nhiên, một vài cái tên được nhắc nhiều hiện nay, có đơn vị còn có hẳn giờ phát sóng trên HTV, VTV, SCTV, Vĩnh Long, Hà Nội như: M&T Pictures, Công ty Sóng Vàng, Tincom Media, Vietcom Film, Sao Thế giới, Hòa Bình, Kiết Tường, Sena Film…

Mới đây có thêm: Truyền thông Leo, Đại dương xanh… và rất nhiều hãng phim quy mô nhỏ hơn, chưa trực tiếp hợp tác sản xuất phim với các đài nên họ chọn cách làm gia công cho những đơn vị đã có “thâm niên” để “học hỏi” kinh nghiệm.

Tuy nhiên, để thật sự gọi là một hãng phim đúng nghĩa, thì hầu hết các nhà sản xuất phim cho các ĐTH hiện nay, vẫn chưa thể đáp ứng được. Họ có danh nghĩa, có giấy phép, nhưng khi bắt tay sản xuất mới kêu gọi nhân sự, thành lập ê kíp của từng đoàn phim khác nhau. Chính vì vậy, chất lượng phim cũng “phập phù” tùy vào mức độ đầu tư, con người, máy móc thiết bị nhiều hay ít; giỏi hay bình thường, thậm chí dở! Nhưng điều quan trọng là họ có thể linh hoạt thu-chi, để hạn chế tối đa phần rủi ro về doanh thu.

Theo Giám đốc Vietcomfilm Nguyễn Thị Bảo Trâm, khi kết hợp làm phim với ĐTH trong bối cảnh mở hiện nay gặp khá nhiều thuận lợi: được định hướng, gợi ý đề tài mới; góp ý chỉnh sửa về kịch bản; hỗ trợ giải quyết những khó khăn trong quá trình sản xuất; tạo điều kiện về các thủ tục hành chính…

Anh Lê Ngọc Hà - đại diện Hãng phim Hòa Bình, cũng chia sẻ thêm rằng: “Với những bộ phim đặc thù (phim chính luận, phim đề tài chiến tranh cách mạng), kinh phí sản xuất được phía ĐTH hỗ trợ cũng cao hơn, so với mức bình thường là 180 triệu đồng/tập. Điều đó giúp nhà sản xuất phần nào yên tâm hơn khi đầu tư cho mỗi bộ phim”. Liên quan đến vấn đề thu hồi vốn, Giám đốc Công ty Sóng Vàng production Nguyễn Thị Bích Liên tiết lộ: “Làm phim truyền hình hiếm khi lỗ, trừ khi đó là nhà sản xuất mới, chưa am hiểu về thị trường; tuy nhiên, phần lãi cũng không nhiều.

Thông thường, đầu tư cho một bộ phim truyền hình dài 30 tập, khoảng 4 tỷ đồng và việc thu hồi vốn trong khoảng từ 10 tháng đến 1 năm. Khi đã ký kết giờ phát sóng với nhà đài, công tác quản lý hãng phim càng phải chặt chẽ hơn. Chúng tôi làm việc đồng thời với nhiều êkíp, đạo diễn khác nhau, do vậy, trong trường hợp bộ phim này gặp trục trặc chúng tôi có ngay phim khác để thay thế”.

Theo Giám đốc Tincom Media Mai Thu Huyền, việc thành lập hãng phim tư nhân dù còn gặp những khó khăn, nhưng khi đã có một số phim chất lượng, khẳng định được “thương hiệu” thì sẽ dễ dàng hơn trong quá trình kêu gọi các nhà đầu tư, nhà tài trợ cho những dự án phim tiếp theo”.

NHƯ HOA - VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục