
Càng gần Tết, từ TPHCM đến ĐBSCL, nơi đâu cũng nhộn nhịp người đi sắm Tết. Mặc dù giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, các chợ, siêu thị đều tăng lượng cung nhưng khả năng “cháy” hàng vẫn có thể xảy ra.
- Hàng thực phẩm tươi sống: Giá tiếp tục tăng

Hàng hóa phục vụ Tết phong phú, đa dạng ở chợ An Đông. Ảnh: THÀNH TÂM
Trong ngày 22 và 23-1, mặc dù lượng hàng thực phẩm tươi sống các loại như thủy hải sản, rau củ quả, thịt heo… về các chợ đầu mối ngày càng tăng nhưng giá bán lẻ tại các chợ cũng bắt đầu tăng khá cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng BQL chợ Phạm Văn Hai, lượng thịt heo về chợ trong những ngày cao điểm Tết Bính Tuất có thể đạt mức hơn 3.000 con/ngày. Do vậy, nguồn hàng chắc chắn sẽ không thiếu nhưng giá bán chắc chắn sẽ còn tăng.
Một trong những mặt hàng thực phẩm tươi sống đang có mức tiêu thụ “nóng” tại nhiều siêu thị là thịt gà nguyên con cũng đang đứng ở mức giá khá cao. Giá gà thả vườn tại nhiều siêu thị dao động ở mức 40.000 - 49.000 đồng/kg.
Tại các điểm nhận đặt gà ta cúng Tết cũng đưa ra mức giá rất cao, gà trống (loại 2 kg/con) 120.000 đồng/con, tương đương mức giá 60.000 đồng/kg và giá bán gà mái là 55.000 đồng/kg. Anh Sơn, chủ quán miến gà Sơn Nga (đường Nguyễn Đình Chiểu) cho biết lượng khách đến đặt gà đã tăng rất cao so với Tết năm ngoái.
- Sắm Tết ở siêu thị: Tiện lợi

Dưa hấu Tết tại các chợ ở ĐBSCL rất dồi dào.
Hai ngày qua, lượng khách tại các hệ thống siêu thị cũng tăng vọt. Riêng các siêu thị Co-opMart bình quân đón 280.000 lượt khách/ngày, tăng gần 4 lần ngày thường. Doanh số bán hàng do vậy cũng tăng 3-4 lần. Dẫn đầu là Co-opMart Đinh Tiên Hoàng với doanh thu kỷ lục: trên 3 tỷ đồng/ngày.
Đối với những khách hàng quen thuộc của các siêu thị, một khi giá cả không còn là “chuyện phải bàn”, thì vào siêu thị mua sắm Tết là thuận tiện nhất, vì “mua gì cũng có, lại không phải lo chất lượng” như chị Nguyễn K.N, nhà ở 248/5 đường Pasteur (Q3) nhận xét.
Những ngày này, hàng hoá trong các siêu thị tràn ngập các quầy và luôn được bổ sung kịp thời. Có thể nói, không có mặt hàng Tết nào vắng mặt tại các siêu thị.
Không chỉ ở các siêu thị Co-opMart, tại tất cả các hệ thống siêu thị lớn như Metro, MaxiMart, CitiMart, Big C, khách đến mua sắm rất đông, nhất là sau giờ tan tầm. Mặc dù các siêu thị đã mở thêm quầy tính tiền và tăng thêm người phụ bỏ hàng vào bao, khách vẫn phải xếp hàng trước quầy khá lâu.
- ĐBSCL: Có thể “cháy” hàng
Chiều 24- 1, hàng hóa phục vụ Tết Bính Tuất tiếp tục đổ về Cần Thơ với khối lượng lớn. Dọc theo đường Nguyễn An Ninh, 30-4, khu vực bến Ninh Kiều… hàng trăm quầy bánh mứt, trái cây, hoa kiểng… bày bán nối tiếp nhau. Theo Sở Thương mại Cần Thơ, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm nay lên đến 148 tỷ đồng. Ông Ngô Ngọc Dũng, Giám đốc siêu thị Coop Mart – Cần Thơ cho biết: “Tất cả các mặt hàng được chuẩn bị đầy đủ và đa dạng, nhiều nhất vẫn là các loại bánh mứt, rượu bia, nước giải khát… Lượng khách mua hàng tăng từ 5.000 người lên 7.500 người/ngày”.
Trong khi đó, Cà Mau cũng chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết khoảng 250 tỷ đồng. Ngành thương mại dự kiến sức mua trong Tết này sẽ tăng khoảng 30% so với năm trước. Thế mạnh của Cà Mau lâu nay là hàng hải sản. Tuy nhiên, các loại cua biển, tôm, mực, hải sản khô… ở các chợ không nhiều và giá tăng cao.
Tại Trà Vinh, trên 80 tỷ đồng được các doanh nghiệp đầu tư mua các loại lương thực- thực phẩm cung ứng trong dịp Tết. Dù vậy, nhiều người vẫn lo sẽ “cháy hàng” vào những ngày giáp Tết. Theo kinh nghiệm bán hàng Tết nhiều năm của cơ sở Thanh Long thì 3 ngày cận Tết khách mua sẽ tăng lên gấp 2-3 lần.
NHÓM PV
Theo nhận định của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường lưu thông hàng hóa đã sôi động ngay trong tháng đầu năm 2006, nguồn hàng phục vụ Tết của các thành phần kinh tế tham gia thị trường tăng 20% - 30% so với Tết Ất Dậu. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1 đạt 46.316 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng 12-2005 và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2005. Tuy nhiên, sẽ không có hiện tượng “sốt hàng” hay “sốt giá” trên phạm vi rộng trong thời gian dài. |