Hành động ngay để kéo giảm ô nhiễm không khí đô thị

Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, ở TPHCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa làm cản trở tầm nhìn. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt, sinh kế của cộng đồng. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia nhằm tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí ở các đô thị.
Khí thải từ phương tiện cơ giới là một nguyên nhân làm ô nhiễm không khí tại đô thị
Khí thải từ phương tiện cơ giới là một nguyên nhân làm ô nhiễm không khí tại đô thị

* PGS-TS HỒ QUỐC BẰNG - Đại học Quốc gia TPHCM: Quy chuẩn phân vùng khí thải ô nhiễm cần chi tiết, rõ ràng

Với tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đang ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng trong tương lai. Các tiêu chuẩn quy định đối với vấn đề quản lý chất lượng không khí của Việt Nam còn ít nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới. Có những tiêu chuẩn cao hơn gấp đôi so với WHO, như đối với PM10 (Việt Nam 50, WHO 20) và PM2.5 (Việt Nam 25, WHO 10). Vì vậy, quy chuẩn phân vùng khí thải ô nhiễm của Việt Nam cần được quy định chi tiết, rõ ràng và nghiêm ngặt hơn. Nên đưa ra một tải lượng xả thải cụ thể, thay vì nồng độ xả thải. Nếu các đô thị lớn, mà điển hình là TPHCM, không có chính sách kịp thời, mục tiêu cụ thể và chương trình hành động để kiểm soát các nguồn thải thì chất lượng không khí ngày càng đi xuống, gánh nặng về kinh tế, sức khỏe cho người dân càng tăng cao. 

Để giảm thiểu những ảnh hưởng do ô nhiễm không khí gây ra cho người dân, chúng ta cần cấp bách kiểm tra khí thải phương tiện giao thông, cấm lưu thông đối với những phương tiện quá đát, cũ kỹ; đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động; phân nhóm các loại hình ngành nghề gây ô nhiễm để dễ quản lý.  

* PGS-TS MAI TUẤN ANH - Sở TN-MT TPHCM: Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn cực kỳ đáng lo ngại, trong khi, thông tin cảnh báo lại chủ yếu đến từ phương tiện truyền thông. Chúng ta phải hành động ngay. Các vấn đề sẽ đặt ra ở đây là mức độ chính xác dữ liệu (độ phân giải, độ phủ của dữ liệu) và các dự báo, cũng như những hành động cần phải thực hiện. 

2 vấn đề này sẽ được giải quyết trong hệ sinh thái đô thị thông minh. Ở đó, hiện trạng ô nhiễm sẽ khuyến khích cộng đồng tự trang bị các cảm biến chất lượng không khí (thiết bị IoT) và hình thành hệ dữ liệu mở (Big Data). Chính quyền địa phương sẽ hợp tác với các nhà sản xuất cảm biến, các công ty quản lý dữ liệu và các nhà khoa học để tạo ra chiến lược thu thập và sử dụng dữ liệu - ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Dựa vào các thiết bị cảm ứng thông minh, cộng đồng có thể chọn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào họ muốn đo (PM10, PM 2.5, CO2...). 

* NGUYỄN THẾ ĐỒNG - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Phân nhóm quản lý các loại ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm

Mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp kéo giảm ô nhiễm không khí, nhưng chất lượng không khí giai đoạn gần 10 năm qua vẫn diễn biến phức tạp, theo xu hướng dần gia tăng ô nhiễm. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, phần lớn là do những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý về môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sắp tới cần bổ sung chuyển quản lý môi trường từ ứng phó bị động sang chủ động, bằng cách phân nhóm các loại hình ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm để tập trung quản lý (phân luồng đỏ - xanh - vàng). 

Ngoài ra, Việt Nam cần sớm áp dụng phí phát khí thải đối với một số ngành nghề công nghiệp đặc thù, theo nguyên tắc đơn vị nào phát khí thải gây ô nhiễm nhiều thì phải chịu phí nhiều. Luật cũng cần làm rõ điều khoản về phân vùng môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường; bổ sung điều khoản đánh giá sức chịu tải môi trường không khí, hạn ngạch xả thải; làm rõ điều khoản về trách nhiệm quản lý nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quyền/trách nhiệm cho địa phương/cơ sở quản lý trực tiếp; có quy định về quản lý kiểm soát mùi hôi và nâng cao hiệu quả xử phạt.

Tin cùng chuyên mục