“Hành trình không vùng cấm, không ngừng nghỉ” của các nhà báo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chuẩn bị cho Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2022-2023, ngày 8-6, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hành trình không vùng cấm, không ngừng nghỉ” với sự tham dự của các nhà báo đã từng đoạt nhiều giải báo chí về đề tài này.
Tọa đàm với chủ đề “Hành trình không vùng cấm, không ngừng nghỉ”
Tọa đàm với chủ đề “Hành trình không vùng cấm, không ngừng nghỉ”

Giải Báo chí toàn quốc PCTNTC lần thứ 4, năm 2022-2023 được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, chính thức phát động từ ngày 13-11-2021 tại Hà Nội.

Sau 3 năm tổ chức, giải ngày càng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các tác phẩm dự giải cho thấy, các nhà báo và cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát hiện, đeo bám để đi đến cùng một số vụ việc PCTNTC.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Ban tổ chức giải, trong những năm qua, công tác đấu tranh PCTNTC được Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Những kết quả bước đầu trong công tác PCTNTC là hết sức quan trọng, đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để tiếp tục động viên các nhà báo trong cuộc đấu tranh PCTNTC, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần có chính sách, cơ chế để bảo vệ các nhà báo cũng như có những hình thức động viên, tôn vinh các nhà báo.

Đáng chú ý, sau 3 lần tổ chức thành công với tên “Giải báo chí toàn quốc PCTN, lãng phí”, từ năm nay, giải có tên “Giải Báo chí toàn quốc PCTNTC”. Ban tổ chức cho rằng, điều chỉnh từ lãng phí thành tiêu cực để phạm trù rộng rãi hơn. Cùng với đó, giá trị giải thưởng cũng được tăng lên để động viên các tác giả. Giá trị giải thưởng này có thể bù đắp rất nhỏ nhoi cho các tác giả hy sinh mồ hôi nước mắt, thậm chí cả tính mạng trong quá trình đấu tranh PCTNTC bằng ngòi bút của mình. Thực tế, thời gian gần đây liên tục xuất hiện những vụ việc phóng viên bị hành hung khi thực hiện các đề tài phát hiện tiêu cực.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam (Phó Trưởng Ban tổ chức giải), nhấn mạnh, đây là giải báo chí toàn quốc thể hiện rõ giá trị vai trò của báo chí trong công cuộc phòng chống tiêu cực. Sự tham gia của các tác phẩm báo chí góp phần thể hiện rõ vai trò, tinh thần trách nhiệm của báo chí và tất cả lực lượng khác nhau trong toàn xã hội trong việc góp công về "hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm" của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta hiện nay.

Ban tổ chức nhận các tác phẩm tham dự giải trước ngày 31-8-2023. Ngoài hình thức khen thưởng theo thể lệ, dự kiến tác giả đoạt giải sẽ được tặng bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích cho các loại hình báo chí. Trong đó, Giải đặc biệt 100 triệu đồng; giải A mỗi giải 50 triệu đồng; giải B mỗi giải 30 triệu đồng; giải C mỗi giải 20 triệu; giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục