Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Mark Jones

Hành trình “săn đuổi ánh sáng”

Hành trình “săn đuổi ánh sáng” ảnh 1

Mark Jones bên tác phẩm “Động Phong Nha”.  Ảnh: K.Ư

Khi người xem triển lãm muốn tìm hiểu về máy ảnh pinhole và hiệu quả nghệ thuật của nó đối với các bức ảnh chụp, nhà nhiếp ảnh Mark Jones cười tươi, cởi mở giải thích:

-Máy ảnh pinhole rất đơn giản do tôi tự thiết kế. Nó là máy ảnh không có ống kính mà là một hộp bằng gỗ với lỗ nhỏ ở một bên và một khe để đưa phim vào bên kia. Pinhole có một miếng trấp lá chắn sáng, được điều khiển dễ dàng bằng tay. Một điều khác biệt, trong khi máy ảnh bình thường có khoảnh khắc thu hình thật ngắn, máy ảnh pinhole đòi hỏi thời gian phơi sáng lâu hơn trong vài phút.

Tuy nhiên, với kỹ thuật này, nó lại tạo được hiệu quả sinh động, phong phú về độ rộng không gian và độ gợn sóng ánh sáng lăn tăn kỳ ảo. Tôi đã truyền thụ nghệ thuật pinhole cho một số học trò. Hiện nay ở New York cũng có Hiệp hội những người sử dụng máy ảnh pinhole và phổ biến lĩnh vực nhiếp ảnh này qua tạp chí chuyên môn xuất bản một năm hai lần.

Giới thiệu thêm hiệu quả nghệ thuật qua 13 tác phẩm triển lãm mà thực ra Mark Jones cũng cho là cuộc hành trình săn đuổi thật thú vị “thời gian và ánh sáng” từ những phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp của nhiều miền đất nước ông từng đi qua.

-Tôi cho rằng mỗi chuyến đi, mỗi bức ảnh đều có sự khám phá thật ngẫu hứng với không gian, thời gian bên ngoài khung cảnh cũng như lúc tôi tự tráng phim và tìm thấy hình ảnh hiện ra trong buồng tối. Chẳng hạn, bức ảnh Ngọn núi ở Meteora, chụp ở chân núi cao 1000m, gần Meteora, Hy Lạp.

Lúc ấy mặt trời đang lặn và ánh sáng trong ảnh được phản chiếu từ những vách núi đá đằng sau máy ảnh. Nó đẹp huyền bí. Bức ảnh Quảng trường Dubar, Kamandu chụp ở một đường phố nhỏ tại Kamandu, Nepal. Bộ lọc ánh sáng của máy ảnh kết hợp ánh nắng buổi chiều tạo nên năng lượng ánh sáng phong phú trong bức ảnh dường như là ánh sáng tỏa ra từ các vật thể.

Một bức khác tôi chụp được ở Ai Cập, gần biên giới Sudan nơi có một nhà máy hóa chất biến cả vùng xung quanh đỏ tươi. Gần đó có một ngôi nhà nhỏ và mấy cây dâm bụt. Buổi chiều, tôi không hài lòng khi chụp những bức ảnh đầu tiên ở đây nên bỏ về. Trong đêm đó gió thổi những bông hoa dâm bụt qua bên kia đường. Sáng hôm sau trở lại, trước khung cảnh thật tuyệt như vậy, tôi chụp bức

Sa mạc nở hoa ngay trong thời khắc ấy. Có bức ảnh chụp từ máy ảnh pinhole rất lạ và tuyệt đẹp khi năng lượng ánh sáng trong ảnh lúc như sóng biển, lúc như hạt bụi của ánh sáng. Các bạn có thể tìm thấy những nét kỳ ảo này qua bức ảnh Sự tôn kính đối với Compton khi tôi ghi nhận phong cảnh thanh vắng, êm đẹp tại thung lũng Eureka ở California. Trong bức ảnh này, đồi cát có cả ánh sáng như sóng biển và hạt bụi cùng một lúc và màu trắng của ánh nắng mặt trời vỡ ra thành nhiều thành phần màu của nó…

-Hội họa ảnh hưởng đến sự nghiệp nhiếp ảnh của ông hay ngược lại?

-Ở New York, tôi đến với nhiếp ảnh 10 năm, sau đó lại xoay qua vẽ tranh một thời gian dài; rồi lại quay trở về nhiếp ảnh… Nhưng gần như cả hai thể loại cứ đan xen trong hoạt động sáng tác của tôi. Sự ảnh hưởng và tác động qua lại của hai bộ môn nghệ thuật chắc là có, tuy nó rất gần nhau nhưng lại khác nhau.

Ví dụ khi chụp ảnh những con bò ở các nước khác nhau, tôi cũng cảm thấy thú vị khi vẽ về những con bò, tượng trưng nguồn sinh lực tràn đầy cho cuộc sống của con người. Hiện tại, tôi giảng dạy cho sinh viên ở cả hai bộ môn nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh.

-Cảm nhận của ông khi sang Việt Nam?

-Tôi nghĩ hình ảnh Việt Nam luôn nằm trong một phần suy nghĩ của người Mỹ, về những mối liên quan trong lịch sử, xã hội nhiều năm qua. Tôi thật thú vị khi sang Việt Nam nhiều lần với tư cách khách du lịch và lần này với tư cách trưởng đoàn hướng dẫn đoàn sinh viên trường nghệ thuật Mỹ thực tập theo chương trình trao đổi, giao lưu học tập trong thời gian 4 tháng cùng Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về mỹ thuật Việt Nam, tuy chưa nghiên cứu thấu đáo lịch sử phát triển cũng như những ảnh hưởng hội họa phương Đông, phương Tây, nhưng có một điều tôi cảm nhận được cái bản sắc riêng của hội họa Việt Nam, không lẫn lộn với bất cứ hội họa đất nước nào

kim ửng

Tin cùng chuyên mục