Dư luận rất bất bình trước sự việc một nạn nhân bị móc túi khi đang dừng đèn đỏ tại giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần (phường 6, quận 3, TPHCM), thay vì hỗ trợ nạn nhân bắt cướp, nhiều người dân đã có hành vi hôi của. Khi kẻ móc túi làm rớt cọc tiền xuống đất thì một số người đi đường đã nhặt lấy những tờ tiền rồi bỏ đi. Theo lời kể của nạn nhân, trong số 50 triệu đồng, chỉ thu lại được 30,5 triệu đồng, còn 19,5 triệu đồng đã bị những người đi đường lấy mất. Gần đây, hành vi hôi của không còn là hiện tượng hiếm gặp. Đây là việc đáng chê trách và có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, hành vi hôi của có thể cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự. Theo đó, “người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. “Công nhiên chiếm đoạt” là hành vi lợi dụng việc chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ. “Lợi dụng” ở đây được hiểu là tình trạng mà chủ tài sản lâm vào là do khách quan, không phải do người phạm tội mang lại (ví dụ chủ tài sản bị tai nạn). Khi rơi vào hoàn cảnh đó, chủ tài sản mặc dù biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt nhưng không có điều kiện để ngăn cản, vì thế mà người phạm tội có thể chiếm đoạt trước sự chứng kiến của người khác mà không cần phải nhanh chóng tẩu thoát.
Trong vụ hôi của nhặt tiền của nạn nhân kể trên, trong lúc hỗn loạn, một số người đã tranh thủ nhặt những tờ 500.000 đồng bay xuống đường cho vào túi. Số tiền nhặt được nếu có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì người nhặt tiền có thể bị xử lý hình sự. Nạn nhân trong vụ việc đang trong hoàn cảnh khách quan là bị cướp. Vì đang bắt cướp và đường phố lúc đó quá đông người nên nạn nhân đành bất lực chứng kiến cảnh người qua đường nhặt những tờ tiền bay tung tóe. Bản thân những người nhặt tiền cũng cho đó là việc bình thường và lợi dụng lúc nạn nhân đang giằng co với cướp để đút túi những tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng.
Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng việc làm của những người hôi của kể trên còn đáng xấu hổ hơn cả ăn cướp và sẽ bị chính lương tâm của họ phán xét. Cần phải khẳng định rằng hành vi này hoàn toàn có thể bị pháp luật xử lý. Hành vi hôi của không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà còn thể hiện sự xói mòn về mặt đạo đức. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn phổ biến, sẽ để lại nhiều hệ quả tiêu cực. Vì vậy, cần lên án và tố giác hành vi này để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)